Công tác xóa đói giảm nghèo ở Khánh Hòa: Nhiều việc làm thiết thực

Công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) được xem là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Khánh Hòa. Thời gian qua, công tác XĐGN đã được triển khai một cách tích cực và đã đạt những thành tựu đáng khích lệ, góp phần thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội.

Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, công tác XĐGN đã được quan tâm và dần trở thành phong trào phát triển ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền xem XĐGN là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trên địa bàn quản lý. Qua việc trợ giúp các hộ nghèo về lao động, sản xuất, bước đầu, công tác XĐGN đã đạt được những thành tựu đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,8% (năm 1992) xuống còn 2,38% vào đầu năm 2009, toàn tỉnh không còn hộ đói. Chương trình XĐGN tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Điều đó được thể hiện bằng các nghị quyết, quyết định, chương trình… hành động của các cấp. Hàng năm, mục tiêu XĐGN được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Giai đoạn 2001 - 2005, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phân công cho 140 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị trên địa bàn tỉnh quan tâm, theo dõi và giúp đỡ các xã miền núi thực hiện công tác XĐGN. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển đời sống và sản xuất. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể, các doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia và có vai trò rất quan trọng trong công tác XĐGN của tỉnh. Trong đó, Cuộc vận động Quỹ Vì người nghèo đã trở thành một hoạt động thường niên và sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần vào việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho nhiều hộ nghèo trong tỉnh. Các hội, đoàn thể đã xây dựng nhiều mô hình XĐGN; các doanh nghiệp đã tích cực tham gia đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo của tỉnh hoặc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo. Thông qua việc thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp, chương trình XĐGN, bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh đã có sự thay đổi đáng kể; chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và nhóm hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh ban hành chuẩn nghèo mới cao hơn chuẩn nghèo quốc gia. Ngày 22-7-2008, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07 về việc điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2009 - 2010. Theo đó, chuẩn hộ nghèo ở khu vực miền núi hải đảo là 360.000 đồng/người/tháng; khu vực nông thôn: 430.000 đồng/người/tháng và khu vực thành thị: 500.000 đồng/người/tháng. Điều đó thể hiện quyết tâm nâng cao mức sống của người nghèo trong tỉnh trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã ban hành Chương trình Dạy nghề - Giải quyết việc làm và Giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và lãnh đạo chính quyền các cấp. Tính đến ngày 1-1-2009, số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia còn 5.776 hộ (chiếm 2,38%); số hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh còn 39.223 hộ (chiếm 16,18%). Mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đến cuối năm 2009 là số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia chỉ còn 1,9%, theo chuẩn của tỉnh còn 14,24%; đến cuối năm 2010 hộ nghèo theo chuẩn quốc gia chỉ còn 1,5%, hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh giảm còn 11,2%. Để hoàn thành các chỉ tiêu này, tỉnh rất cần sự tham gia không chỉ của toàn bộ hệ thống chính trị mà còn cần đến sự chung tay, góp sức của tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm và mọi tầng lớp nhân dân. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh có 1.223 hộ nghèo đang bức xúc về nhà ở và cần sự hỗ trợ kinh phí để xây nhà. Quyết tâm của tỉnh là trong năm 2009, phải hỗ trợ kinh phí để xây dựng 605 nhà; năm 2010 sẽ hỗ trợ xây dựng xong số nhà còn lại. Mức hỗ trợ là 7,2 triệu đồng và 8,4 triệu đồng đối với từng loại đối tượng theo quy định của Nhà nước để xây dựng các căn nhà có diện tích tối thiểu 24m2. Ngoài ra, các hộ này còn được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà với mức vay tối đa 8 triệu đồng trong thời hạn 10 năm. Điều đáng nói, sau khi người dân vay tiền và xây xong nhà, tỉnh sẽ đứng ra nhận trả số tiền vay đó của người dân cho ngân hàng. “Với những chính sách, chủ trương đã đưa ra, tin rằng, tỉnh sẽ thực hiện được kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, để mang lại lợi ích to lớn hơn đối với các hộ nghèo, tỉnh rất cần sự ủng hộ cả về vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, các nhà từ thiện nhằm giúp các hộ nghèo có được những căn nhà khang trang, tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp” - ông Nguyễn Hữu Thấu - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thấu: “Thời gian qua, công tác XĐGN của tỉnh đã đạt được nhiều bước đột phá quan trọng nhằm hỗ trợ hộ nghèo từng bước nâng cao và ổn định cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, công tác XĐGN ngày càng được mở rộng theo hướng xã hội hóa và huy động được nhiều nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân cùng tham gia giúp đỡ người nghèo”.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=370499&co_id=30179