Công tác quản lý đất đai ở cơ sở

ND - Trong thời gian dài công tác quản lý đất đai còn nhiều thiếu sót dẫn đến hiện trạng sử dụng đất phức tạp ở các địa phương. Đề nghị chính quyền ở cấp cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, ngăn chặn tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về nhà, đất xảy ra.

Bạn đọc Vũ Hồng Thu (An Giang): Công tác quản lý đất đai ở cấp cơ sở còn nhiều lỏng lẻo cho nên xảy ra không ít trường hợp người dân tự ý "nhảy dù" lấn chiếm đất lưu không ven quốc lộ hoặc đất tại các công trình công cộng. Nhiều dòng sông, ao, hồ ở các khu dân cư đã bị người dân ngang nhiên chiếm dụng san lấp để dựng lều lán, nhà cửa. Tình trạng sử dụng đất công lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đó là tùy tiện đưa đất công vào sử dụng cho những mục đích cá nhân; lập dự án "treo" chiếm đất công; ồ ạt lấy đất nông nghiệp ở những vị trí màu mỡ để xây sân gôn hoặc lập những khu công nghiệp, khu đô thị giá trị tiền tỷ rồi để "phơi mưa, phơi nắng". Về thủ tục lập hồ sơ kê khai và các giấy tờ xác nhận về nhà, đất còn lắm nhiêu khê; nhiều quy định về quản lý đất đai còn chồng chéo; công tác lưu giữ bản đồ địa chính thiếu chặt chẽ, chưa khoa học, khiến cho công tác quản lý đất đai ở cấp cơ sở gặp không ít trở ngại. Cán bộ làm công tác địa chính ở cấp cơ sở trình độ hạn chế và trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý đất đai, một bộ phận không nhỏ cán bộ địa chính có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu. Bạn đọc Dương Trọng Sáng (Đồng Nai): Các tranh chấp, khiếu kiện về nhà, đất xảy ra phổ biến ở các địa phương. Có vụ trở thành "điểm nóng" kéo dài nhiều năm chưa được chính quyền giải quyết dứt điểm. Vụ tranh chấp lối đi giữa hai gia đình ông Nguyễn Thanh Long và bà Nguyễn Thị Loan, ở ấp Phước Hội, xã Long Hưng (Long Thành, Đồng Nai) đã trải qua nhiều phiên tòa xét xử của Tòa án Nhân dân huyện Long Thành và Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai, nhưng đương sự vẫn khiếu kiện. Từ việc tranh chấp của hai gia đình này đã làm ảnh hưởng an ninh, trật tự địa bàn. Bạn đọc Đinh Hữu Xuân (Hà Nội): Cán bộ chính quyền cơ sở các địa phương cần bám sát địa bàn để nắm rõ hiện trạng sử dụng đất của mỗi gia đình, góp phần xử lý các trường hợp tranh chấp, khiếu kiện một cách kịp thời, chuẩn xác. Do công tác quản lý lỏng lẻo hoặc vì lý do cán bộ địa chính cấp cơ sở thiếu khách quan, chưa khéo léo mà dẫn đến nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện về nhà, đất trở nên phức tạp. Trường hợp của anh Nguyễn Đăng Mai, ở thôn Lực Canh, xã Xuân Canh (Đông Anh, Hà Nội) khiếu nại việc gia đình ông Phạm Đức Việt, hàng xóm, lấn chiếm rãnh thoát nước, kéo dài từ nhiều năm nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=155927&sub=54&top=37