Công tác kiểm tra - nhân tố để xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh

Làm tốt công tác kiểm tra CĐ chúng ta sẽ đánh giá được việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách ở CĐCS.

Hoạt động kiểm tra, trong đó có kiểm tra tài chính không chỉ có ý nghĩa về mặt quản lý, sử dụng tài chính mà đã thực sự góp phần rất thiết thực vào việc xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh. Bất cập trong hoạt động kiểm tra Với nhận thức vai trò quan trọng của hoạt động kiểm tra CĐ, trong đó có kiểm tra tài chính, nên chương trình công tác kiểm tra hằng năm của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) CĐ các cấp bao giờ cũng hướng tập trung chủ yếu vào thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tài chính. Trong hoạt động tài chính cần xác định: Nếu làm tốt từ CĐCS sẽ tạo ra một bức tranh tài chính sáng sủa ở CĐ cấp trên; bởi hình ảnh tài chính ở cấp trên chính là sự phản ánh tổng hợp các bức tranh tài chính ở tất cả các CĐ cấp dưới trực thuộc. Nếu báo cáo tài chính ở cấp dưới thiếu khách quan, chính xác; thì theo đó phản ánh tình hình tài chính ở cấp trên cũng sẽ thiếu sự chính xác, khách quan. Cán bộ UBKT CĐ các cấp hầu hết đều làm kiêm nhiệm, sự am hiểu về nghiệp vụ công tác kiểm tra trong nhiều cán bộ kiểm tra còn rất hạn chế. Những bất cập ấy có nguyên nhân chủ quan là tính tự ty và ngại đấu tranh va chạm vẫn là một căn bệnh cố hữu đối với những người hoạt động CĐ kiêm nhiệm. Điều này khiến người làm công tác kiểm tra tự ty, lúng túng, thiếu tự tin và ngại hoạt động. “Vì việc mà chọn người” Để tiếp tục phát huy kết quả đã làm được trong những năm qua và sớm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động kiểm tra CĐ nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới, nên chăng Tổng LĐLĐVN có thể xem xét điều chỉnh một số vấn đề sau: 1- Về công tác cán bộ UBKT: Trước hết, cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn về điều kiện và tiêu chuẩn để lựa chọn người bầu vào UBKT CĐ, không nhất thiết phải cơ cấu ở những CĐ lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng trừ khi ở đơn vị ấy thực sự có người hội đủ một cách xứng đáng các tiêu chuẩn và có tố chất của người cán bộ làm công tác kiểm tra. Cần có quy định đối với những CĐ cấp trên cơ sở thậm chí là CĐCS có số lượng đoàn viên đông (từ 5.000 đoàn viên trở lên chẳng hạn) thì phải có chủ nhiệm UBKT CĐ chuyên trách. Sau mỗi kỳ đại hội, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nên được tổ chức triển khai sớm và trước hết cán bộ làm công tác kiểm tra cần phải được bồi dưỡng trước, nếu không thì sự hiện diện của UBKT CĐ cũng chỉ là hình thức. Về cơ chế bảo vệ cán bộ UBKT phải mạnh, xác định vị trí của UBKT phải rõ, vì UBKT là một cơ quan do BCH cùng cấp bầu ra và được sử dụng con dấu của BCH cùng cấp; chủ nhiệm UBKT là chức danh bầu cử (không do BCH phân công như các trưởng ban khác) do đó nên quy định chức danh chủ nhiệm UBKT là ủy viên ban thường vụ. 2- Về cơ chế đãi ngộ đối với ủy viên UBKT: Phụ cấp ủy viên UBKT theo quy định tại Quyết định số 1262/QĐ-TLĐ ngày 19.9.2007 thì ủy viên UBKT thấp hơn rất nhiều so với phụ cấp của thủ quỹ CĐ cùng cấp và chi trả thù lao như vậy là chưa đánh giá đúng vị trí trách nhiệm và sự đóng góp của ủy viên UBKT, trong khi quy định hiện hành của Tổng LĐLĐVN về tiêu chuẩn lựa chọn ủy viên UBKT lại đòi hỏi cao hơn cả tiêu chuẩn ủy viên BCH CĐ cùng cấp. “Tiêu chuẩn ủy viên UBKT công đoàn các cấp: Vận dụng theo tiêu chuẩn như ủy viên BCH cùng cấp, ngoài ra ủy viên UBKT cần có sự hiểu biết về kiến thức pháp luật, kinh tế, quản lý tài chính... có nghiệp vụ và kinh nghiệm làm công tác kiểm tra” (hướng dẫn số 703/HĐ-TLĐ ngày 6.5.2009). Ai cũng biết yêu cầu về tiêu chuẩn chính là sự đòi hỏi của tổ chức đối với mỗi chức danh được phân công và chúng ta phải căn cứ vào quy định đó để lựa chọn tìm ra con người cụ thể, ai đáp ứng được yêu cầu đó thì bầu vào để đảm đương công việc. Để lựa chọn người vào UBKT CĐ, cần phải “vì việc mà chọn người”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/cong-tac-kiem-tra--nhan-to-de-xay-dung-cong-doan-co-so-vung-manh/20106/189401.laodong