Công tác dân vận trong tình hình mới

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng ta luôn nhất quán khẳng định: 'Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Ðảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Ðảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Ðảng'(*).

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) tuyên truyền vận động người dân xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh biên giới. Ảnh: TRẦN HẢI

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) tuyên truyền vận động người dân xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh biên giới. Ảnh: TRẦN HẢI

Ngay khi bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, trong Nghị quyết Ðại hội lần thứ VI, Ðảng ta đã xác định: Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta đoàn kết chiến đấu làm Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến thắng lợi, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thành tựu vĩ đại nói trên bắt nguồn từ chỗ Ðảng ta có đường lối chính trị đúng đắn được nhân dân ủng hộ, có đội ngũ cán bộ và đảng viên tiền phong chiến đấu, gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Quan hệ mật thiết giữa Ðảng và nhân dân đã trở thành nguồn sức mạnh và truyền thống vô cùng quý báu của cách mạng Việt Nam.

Trong điều kiện lãnh đạo chính quyền, Ðảng đặc biệt coi trọng đổi mới công tác quần chúng tạo mọi điều kiện để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Khắc phục tình trạng vi phạm dân chủ, dân chủ hình thức; đồng thời chống dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để gây rối trong xã hội.

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, chính nhân dân đã phát hiện ra những vấn đề chưa phù hợp trong cơ chế chính sách, gợi ý cho Ðảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo ra sức sống mới, diện mạo mới cho đất nước và ngày càng phát huy tốt hơn các nguồn lực trong nhân dân; làm cho đất nước phát triển toàn diện, ngày càng năng động, đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, số hộ giàu ngày càng tăng, bộ mặt nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc. Quyền làm chủ của nhân dân được tăng cường, mở rộng; cải cách hành chính bước đầu có hiệu quả, làm giảm bớt phiền hà của người dân; các chương trình an sinh xã hội được quan tâm và đạt được kết quả tích cực. Lực lượng sản xuất phát triển, các thành phần kinh tế phát triển, đã tạo ra nhiều cơ hội cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm lợi ích của người lao động.

Tuy nhiên, Ðảng ta đã nhận thấy rằng, trong lãnh đạo, Ðảng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Ðảng đã nghiêm túc phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa cách mạng tiến lên. Trong thực tiễn vừa qua, cũng không ít những cơ chế chính sách của địa phương, thậm chí cả ở tầm quốc gia, nhưng khi đưa ra, nhân dân chưa đồng tình và dẫn đến thực hiện hiệu quả thấp, gây tốn phí tiền của, công sức của nhân dân, hoặc thực hiện được nhưng nhân dân không thật sự hài lòng, đồng thuận cao. Có nhiều nơi vì nôn nóng phát triển kinh tế - xã hội bằng mọi giá như: phát triển hạ tầng, giải tỏa, đền bù thực hiện các dự án phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, làm thủy điện... nên chính sách đưa ra chưa hợp lý, cách làm áp đặt, thiếu công khai, dân chủ, không bàn bạc kỹ với nhân dân. Có thể được việc nhưng chưa được lòng dân, nhân dân khiếu kiện gay gắt, thậm chí trên quy mô toàn tỉnh, toàn huyện, có nhiều điểm nóng, nhân dân khiếu kiện gay gắt phức tạp, khó giải quyết, làm tổn hại đến uy tín của Ðảng, của chính quyền.

Gần đây tuy không phải là lớn nhưng khi nghiên cứu, ban hành chính sách không tranh thủ lắng nghe ý kiến của nhân dân nên khi thực hiện đã không được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân như: Quy định Giấy chứng minh nhân dân phải khai tên bố mẹ; quy định về tăng mức thu phí trước bạ khi chuyển quyền sử dụng ô-tô, v.v. Nhưng khi biết lắng nghe dân, hạ xuống mức 2% thì nhân dân lại tự giác đến nộp thuế và làm thủ tục sang tên đổi chủ. Nêu một vài thí dụ trên để minh họa cụ thể, nhưng trong thực tế thì còn rất nhiều những cơ chế, chính sách bất cập mà nhân dân rất bức xúc, không thể nêu hết được ở đây.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn những năm đổi mới vừa qua, nhìn chung, mọi quan điểm chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đề ra đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cuộc sống của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện mang lại những thành tựu to lớn. Song bên cạnh đó cũng có một số chủ trương, cơ chế chính sách, một số quyết định khi ban hành chưa được nhân dân đồng tình cao, làm hạn chế đến hiệu quả thực hiện, thậm chí còn gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh quan liêu, không sát dân, không sát thực tiễn, không nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Quy trình, cách soạn thảo, thảo luận, quyết định, thiếu phương pháp lấy ý kiến tham gia, phản biện của nhân dân. Do vậy, cần phải tăng cường phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từng bước, tiếp tục đổi mới quy trình soạn thảo, ban hành pháp luật của Nhà nước, cơ chế chính sách của chính quyền các cấp; coi trọng việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn, lắng nghe, tiếp thu ý kiến tham gia của nhân dân. Khi đề ra các chủ trương của Ðảng, luật pháp của Nhà nước, cơ chế, chính sách, quy định của cơ quan, chính quyền các cấp phải thật sự do dân, vì dân và phù hợp với thực tiễn, đúng với nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực thực hiện. Ðây chính là bài học kinh nghiệm sâu sắc và phát huy góp phần đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

NGUYỄN DUY VIỆT

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương

(*) Cương lĩnh (bổ sung phát triển 2011).

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/20417102-.html