Công tác dân vận là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị

Cách đây 60 năm, ngày 15-10-1949, Bác Hồ viết bài báo "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận của Đảng. Cô đọng trong 573 từ, bài báo hàm chứa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản chất dân chủ của Nhà nước ta và về lĩnh vực công tác cực kỳ quan trọng của cách mạng - công tác dân vận. Các vấn đề: Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải như thế nào?..., đều được Người chỉ rõ, và nhấn mạnh: "Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Tinh thần bài báo "Dân vận" trở thành kim chỉ nam cho công tác vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể suốt 60 năm qua, để lại bài học vô cùng quý báu cho cách mạng nước ta. Vì thế, ngày 15-10 hằng năm đã được Bộ Chính trị quyết định là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.

Ngay từ khi mới ra đời năm 1930, Đảng ta đã đề cao nhiệm vụ vận động quần chúng. Từ đó, qua mỗi thời kỳ cách mạng, lúc thuận lợi hay khi khó khăn, trong kháng chiến cứu nước cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác dân vận luôn luôn được Đảng ta coi trọng nhằm tập hợp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng đất nước, đạt những thành tựu rất to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới hiện nay. Đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam ở mọi thời kỳ. Công tác dân vận ở mỗi giai đoạn mục tiêu có khác nhau, nhưng nội dung, phương pháp dân vận đều là cụ thể hóa những vấn đề nêu trong bài "Dân vận" cho phù hợp tình hình mới. Dân vận không chỉ là tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà trước hết, những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật ấy đều phải bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn; đưa ra lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện trước khi ban hành. Công tác dân vận thực chất là làm khăng khít thêm mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thông qua công tác này, quần chúng đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Công tác dân vận quan trọng là vậy. Tuy nhiên, những điều mà Bác Hồ đã cảnh báo từ 60 năm trước, nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là bệnh quan liêu, phô trương hình thức, xa dân, "chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh" hoặc "chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu". Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" chưa được thực hiện tốt tại nhiều xã, phường; không ít nơi cấp ủy chưa coi trọng công tác dân vận, phó mặc cho cán bộ chuyên trách. Công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng thực tế công tác vận động nhân dân của chính quyền ở nơi này, nơi khác còn hạn chế, khuyết điểm. Thậm chí còn xảy ra tình trạng hách dịch, sách nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của dân. ĐẤT nước ta đang đứng trước những cơ hội lớn trong tiến trình phát triển, hướng tới mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tận dụng được thời cơ và vượt qua mọi trở ngại trên con đường đi tới, cần phát huy năng lực và trí tuệ của toàn dân thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch Đảng, Nhà nước đề ra. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đưa nghị quyết vào cuộc sống là các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải quán triệt đầy đủ tinh thần lời dạy của Bác Hồ về dân vận, thường xuyên làm tốt công tác vận động quần chúng gắn với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", khắc phục những khuyết điểm trong lĩnh vực công tác này, làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu thực hiện phương pháp dân vận "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" như Bác Hồ chỉ rõ, và "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân" như Nghị quyết T.Ư 7 (khóa IX) đề ra, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân. Năm 2010 kỷ niệm tròn 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, cũng là thời gian mà cả nước thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội thứ XI của Đảng. Những sự kiện có ý nghĩa quan trọng này càng nhắc nhở chúng ta phải thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận, bởi "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". NHÂN DÂN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159209&sub=54&top=37