Công tác chăm lo, hỗ trợ thanh niên công nhân vẫn bỏ ngỏ

GD&TĐ - Dù đã có nhiều cố gắng trong tổ chức các hoạt động, chương trình chăm lo cho thanh niên công nhân (lập các khu lưu trú văn hóa, hoạt động tư vấn, đào tạo kỹ năng, hoạt động thể dục thể thao)…

Nhưng công tác hỗ trợ, chăm lo cho thanh niên công nhân TPHCM vẫn còn nhiều bất cập. Đó là đánh giá của nhiều đại biểu tại tọa đàm “Đồng hành cùng thanh niên công nhân thành phố - Chặng đường mới” do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM vừa tổ chức nhân kỉ niệm 10 năm thành lập.

Thiếu kiến thức, coi thường pháp luật là nguyên nhân gây rối an ninh

Nhìn vào thực tế, nhiều đại biểu lo lắng khi tình hình vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên vẫn diễn biến phức tạp.

Đơn cử như tại quận 9 là địa bàn có trên 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hàng chục ngàn công nhân… Trong năm 2015 địa phương này đã xảy ra 259 vụ phạm pháp hình sự, trong đó đa phần số vụ xảy ra trong các đối tượng thanh niên công nhân trong các khu nhà trọ do thiếu ý thức, chủ quan trong công tác phòng chống tội phạm.

Theo một số chuyên gia, chính vốn sống và hiểu biết xã hội, pháp luật của một bộ phận thanh niên công nhân còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật còn kém khiến cho các vấn đề về an ninh vẫn luôn nảy sinh. Bên cạnh đó, cuộc sống của nhiều thanh niên công nhân còn khó khăn, việc làm không ổn định, nhất là các lao động nhập cư… cũng là nguyên nhân chính gây ra những bất ổn về an ninh trật tự. Do đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đối tượng thanh niên công nhân hiện nay là rất cần thiết.

Luật sư Nguyễn Thanh Thanh, chuyên gia hỗ trợ pháp lý thuộc Đội tình nguyện tuyên truyền pháp luật Rừng Đước cho rằng hình thức tuyên truyền về kiến thức pháp luật cho thanh niên công nhân hiện nay còn hạn chế. Hiện Đội thực hiện 2 nội dung tuyên truyền chủ yếu là Phiên tòa giả định và Kịch diễn đàn, nhưng mới tập trung ở những án hình sự, nội dung tuyên truyền chưa trải đều trên các lĩnh vực pháp luật, gây ra tình trạng nhàm chán trong công tác tổ chức của Đội cũng như tiếp thu của thanh niên công nhân.

Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM cho rằng: Việc hỗ trợ trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành xã hội cho thanh niên công nhân rất cần thiết nhưng còn hạn chế về số lượng lẫn chiều sâu, do lực lượng các chuyên gia và cán bộ làm công tác này còn ít. Các hình thức hoạt động chỉ dừng lại ở báo cáo chuyên đề, nói chuyện nhóm nhỏ, sinh hoạt tập thể, việc tư vấn trực tiếp chỉ thực hiện được ở một số thanh niên công nhân, độ bao phủ chưa rộng và thực hiện chưa thường xuyên…

Nan giải tìm chỗ học cho con công nhân

Ngoài các vấn đề về an ninh trật tự, thì điều khiến các đại biểu chia sẻ nhiều nhất tại tọa đàm chính là chỗ gửi trẻ cho con em công nhân. Nhiều chủ các khu lưu trú văn hóa, câu lạc bộ tương trợ công nhân băn khoăn cho biết: Vấn đề tìm chỗ học cho con công nhân hiện nay tại các nơi này là rất nan giải.

Bởi theo họ, trong thực tế chỉ có một số ít doanh nghiệp quan tâm và có điều kiện xây trường để giữ con công nhân của doanh nghiệp họ, còn lại phần lớn là công nhân phải tự bươn chải tìm chỗ gửi con.

Anh Diêu Thanh Nhàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tương trợ công nhân số 3 chia sẻ: Nhiều gia đình công nhân không tìm được trường mầm non phù hợp để gửi con, vì thế họ phải bấm bụng gửi con tại các nhóm trẻ gia đình tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho trẻ. Khi trẻ đến tuổi vào lớp 1, các gia đình lại không biết làm thủ tục để trẻ nhập học hoặc nghĩ rằng sẽ không có nơi nhận, nên đem con về quê cho học. Chính vì vậy, khi con bị đau ốm thì công nhân bỏ việc về quê chăm con thời gian dài, bao nhiêu tiền dành dụm được đều không còn, thậm chí có khi quay trở lên thì mất việc…

Chính vì thế, nhiều đại biểu cho rằng nếu như công nhân được hỗ trợ chỗ gửi con an toàn, phù hợp với thu nhập thì mới yên tâm làm việc, nếu không họ rơi vào cái vòng luẩn quẩn, tiền làm được bao nhiêu cũng đổ vào các chuyến đi thăm viếng, nếu không thì gia đình phải sống xa nhau…

Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM chia sẻ những vấn đề còn đang tồn tại. Tuy nhiên, theo ông hiện có nhiều phần việc ngoài quyền hạn nên Trung tâm khó thực hiện được. Ngay cả những công việc như kêu gọi tài trợ cho công nhân để tổ chức tặng quà tết, trao học bổng, các đêm hội Trung thu hay Ngày Quốc tế thiếu nhi cho con công nhân cũng cực kỳ khó khăn.

“Trong đó thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM sẽ điều chỉnh, cải tiến nội dung, hình thức hoạt động theo hướng đầu tư trọng điểm, tăng cường lực lượng, ban hành hoạt động phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng trong việc chăm lo thanh niên công nhân cho phù hợp với tình hình hiện nay, giúp đời sống văn hóa, các hình thức hỗ trợ cho thanh niên công nhân được tốt hơn” - ông Dương Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cong-tac-cham-lo-ho-tro-thanh-nien-cong-nhan-van-bo-ngo-2603594-b.html