Công nhân lâu năm nghỉ việc nhận hỗ trợ: Bài 1: Tiềm ẩn hệ lụy khó lường

Ở Đồng Nai cũng như khu vực Đông Nam bộ đang xuất hiện việc doanh nghiệp FDI khuyến khích lao động gắn bó lâu năm nghỉ việc.

Những năm qua, hàng triệu lao động Việt Nam đã làm việc, cống hiến đưa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành đầu tàu kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, ở Đồng Nai cũng như khu vực Đông Nam bộ đang xuất hiện việc doanh nghiệp FDI khuyến khích lao động gắn bó lâu năm nghỉ việc.

Thỏa thuận dù căn cứ vào ý chí giữa các bên, song người lao động mất nhiều quyền lợi, tiềm ẩn hệ lụy khó lường.

Trước tình trạng này, người trong cuộc, ngành chức năng cần có nhìn nhận đầy đủ để đưa ra giải pháp phù hợp, tạo môi trường sản xuất kinh doanh tiến bộ, bền vững.

Đang xuất hiện việc doanh nghiệp FDI khuyến khích lao động gắn bó lâu năm nghỉ việc. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN Người lao động được nhận số tiền lớn

Chị Nguyễn Thị Sen, sinh năm 1966, ấp Bình Hóa, xã Hóa An, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouchen Việt Nam (Công ty Pouchen) gần 18 năm.

Cuối năm 2016, doanh nghiệp ra thông báo lao động làm từ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc sẽ được công ty hỗ trợ ít nhất là 12 tháng lương/người.

Với người làm trên 15 năm, mỗi năm sẽ được cộng thêm 1 tháng lương. Dù lương cơ bản của chị Sen hơn 9 triệu đồng/tháng, chị còn mấy năm nữa mới hết tuổi lao động, nhưng thấy chế độ hấp dẫn nên chị nộp đơn nghỉ việc. Kết quả, chị được hỗ trợ gần 140 triệu đồng, chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Chị Sen chia sẻ: “Khi mới rời công ty, cầm số tiền lớn tôi phấn khởi, nhưng nay tôi thấy quyết định của mình có lẽ đã sai. Lúc còn đi làm, lương và phụ cấp mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, một năm thu nhập khoảng 150 triệu đồng (cả thưởng Tết Nguyên đán). Năm nào Nhà nước cũng tăng lương, nếu tiếp tục làm ở Pouchen đến hết tuổi lao động, tôi còn thu nhập được khoảng 500 triệu đồng, về già có lương hưu. Giờ hàng tháng không có thu nhập, miệng ăn núi lở, tiền mấy cũng hết. Tôi đã đi tìm việc nhưng không nơi nào nhận lao động lớn tuổi, đành ở nhà trông cháu”.

Đến nay, chị Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1970, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã làm việc tại Công ty Changshin Việt Nam, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai được gần 20 năm, lương cơ bản đạt gần 9 triệu đồng.

Đầu năm 2017, sau khi nghỉ việc tại Công ty Changshin Việt Nam chị Huệ được hỗ trợ hơn 150 triệu đồng.

Chị Huệ tính nghỉ việc ở Công ty Changshin, chị sẽ xin vào doanh nghiệp khác, thế nhưng, đến nay chị vẫn chưa được công ty nào tiếp nhận, 1 tháng qua, chị phải đi rửa bát thuê kiếm tiền.

Chị Huệ tâm sự: “Nghỉ việc tôi có một số tiền lớn để giải quyết việc gia đình, ban đầu tôi thấy đây là cơ hội nhưng nay thì ân hận, từ một lao động chính trong gia đình nay thành người phụ thuộc. Đi làm công nhân, phần lớn thời gian ở công ty nên ít phải tiêu tiền, nay ở nhà, thu nhập không có, chi tiêu lại nhiều hơn. Hiện hàng tháng tôi đang lĩnh bảo hiểm thất nghiệp, sắp tới khoản này bị cắt, giờ tôi chỉ mong tìm được công việc ổn định, lương tháng vài ba triệu cũng được”.

Mất việc làm, mất quyền lợi

Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, công nhân phải làm việc với cường độ cao, tiếp xúc nhiều chất độc hại, nguy cơ mắc bệnh lớn.

Khi chấp nhận thôi việc mà không tìm được việc làm mới, công nhân sẽ không có bảo hiểm y tế, chi phí khám chữa bệnh sẽ rất lớn.

Hầu hết công nhân sau khi thôi việc đều lấy bảo hiểm xã hội 1 lần với số tiền trên dưới 100 triệu đồng.

Năm 2016, toàn tỉnh Đồng Nai có 37.000 người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, riêng 6 tháng đầu năm 2017, con số này là 27.000 người.

Công nhân doanh nghiệp FDI, đặc biệt ngành may mặc, giày da là lao động đặc thù, mỗi người chỉ phụ trách một công đoạn sản xuất, họ không nắm được cả quá trình tạo ra sản phẩm.

Lao động lớn tuổi sau khi nghỉ việc, hầu hết không thể tự tạo việc làm bằng nghề của mình, không được doanh nghiệp khác tiếp nhận.

Tuổi già công nhân chỉ sống bằng lương hưu nhưng do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít, không đủ để hưởng lương.

Nếu muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mỗi tháng người lao động sẽ phải đóng 22%, đây là mức rất cao, nằm ngoài khả năng của họ.

Chị Nguyễn Thị Sen lo lắng: "Tôi lo nhất bây giờ là càng lớn tuổi bệnh càng nhiều mà không có bảo hiểm y tế. Tôi không thể tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện vì không có thu nhập ổn định. Với bảo hiểm xã hội tôi đã nộp hồ sơ hưởng một lần, sẽ nhận khoảng 100 triệu đồng. Tôi muốn về già sẽ hưởng lương, nhưng nếu đóng tự nguyện (mức lương 9 triệu đồng/tháng khi ở công ty) mỗi tháng tôi đóng khoảng 2 triệu đồng và phải tham gia trong nhiều năm, tôi không có khả năng".

Theo lãnh đạo công đoàn các doanh nghiệp trên, khi công ty đưa ra chính sách khuyến khích lao động làm việc lâu năm nghỉ việc, công đoàn đã làm việc với những công nhân trong diện này; tuyên truyền giúp công nhân thấy được mặt được và mất khi nghỉ việc; thỏa thuận này hoàn toàn tự nguyện, công khai công ty không ép buộc, không phát sinh tranh chấp.

Có nhiều nguyên nhân khiến lao động chấp nhận nghỉ việc; trong đó có việc họ không hiểu rõ chính sách bảo hiểm xã hội, lo sắp tới sẽ phải đóng bảo hiểm nhiều.

Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty Changshin Việt Nam cho biết: “Quan điểm của công đoàn là khuyến cáo công nhân không nên nghỉ việc, dù được hỗ trợ tiền song công nhân sẽ mất việc làm, không còn quyền lợi y tế, bảo hiểm xã hội. Thỏa thuận nghỉ việc không vi phạm pháp luật lao động, công đoàn chỉ có thể tuyên truyền, không thể can thiệp vào ý chí, nguyện vọng của công nhân”.

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm khu vực miền Nam (đóng tại Đồng Nai), từ tháng 5/2017 đến nay, số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Đồng Nai tăng mạnh, mỗi tháng có khoảng 4.000 – 5.000 người nộp hồ sơ, phần lớn là lao động làm việc lâu năm nhưng tự nguyện nghỉ việc.

Hiện mỗi tháng doanh nghiệp tại Đồng Nai tuyển hàng nghìn lao động, song họ không nhận người trên 35 tuổi. Công nhân làm việc lâu năm chấp nhận nghỉ việc đồng nghĩa họ tự loại mình ra khỏi thị trường lao động, tương lai ảnh hưởng đến xã hội.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cong-nhan-lau-nam-nghi-viec-nhan-ho-tro-bai-1-truoc-mat-co-tien-tuong-lai-vo-dinh/52413.html