Công nghiệp hỗ trợ khó từ ngoài lẫn trong

Các nghiên cứu dưới đây chủ yếu xuất phát từ tình hình công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của ngành dệt may, da giày, nhưng thiết nghĩ cũng có phần nào đó giống với các ngành nghề khác, nhằm trả lời câu hỏi là tại sao CNHT chưa thể phát triển mạnh tại Việt Nam.

Thị trường Việt Nam hiện nay lại đang kích thích nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng hơn là sản xuất ra các nguyên phụ liệu. Ảnh: MAI LƯƠNG

Có tất cả ba nhóm nguyên nhân mà người viết thu thập được trong thời gian qua.

Nhóm nguyên nhân từ bên ngoài

Thứ nhất, từ sự phát triển mạnh của các nước và sự phân công của thế giới.

CNHT đã phát triển từ lâu trên thế giới và đã có sự phân công rõ nét. Ngoại trừ Trung Quốc, trên thế giới hầu như không có một nước nào có thể vừa tự sản xuất ra toàn bộ nguyên liệu vừa thực hiện các công đoạn chế biến tại đất nước mình.

Ngay cả những nước và vùng lãnh thổ có CNHT tốt như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, trong lĩnh vực dệt may, da giày, họ cũng phát triển CNHT theo lợi thế của mỗi đất nước. Có nghĩa là loại vật liệu nào, sản phẩm CNHT nào mà đất nước họ có lợi thế cạnh tranh thì họ tự sản xuất, còn những nguyên vật liệu khác thì vẫn nhập khẩu. Ví dụ, Hàn Quốc có lợi thế về nguyên liệu có nguồn gốc sợi tổng hợp, Đài Loan mạnh về ngành dệt kim...

Do vậy, nếu đất nước chúng ta không có được những sản phẩm với lợi thế cạnh tranh để tham gia vào sự phân công này thì chúng ta vẫn chưa thể phát triển được CNHT.

Việc xác định sản phẩm nào mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để tham gia vào sự phân công toàn cầu phải là kết quả từ một quá trình nghiên cứu nghiêm túc và sau đó là một quá trình thực thi quyết liệt chứ không thể xuất phát từ ý kiến chủ quan của một bộ, ngành nào đó. Theo tôi, đến nay, chúng ta chưa hề có những nghiên cứu thực chất về các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế.

Thứ hai, từ sự chỉ định của các khách hàng lớn và yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.

Với hai ngành dệt may, da giày, đầu ra hiện nay được kiểm soát bởi 20-30 thương hiệu lớn trên thế giới, mà các thương hiệu này đều có quá trình kinh doanh vài chục năm, thậm chí cả trăm năm. Trước đây, họ đã đặt hàng chủ yếu với Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore và sau này là Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... Do vậy, họ đã có những quan hệ lâu đời với các nhà cung ứng vật tư tại các nước này. Đến nay, dù có chuyển sang đặt hàng Việt Nam thì với mối quan hệ cũ, họ vẫn cứ muốn chỉ định các nhà máy Việt Nam phải mua vật tư từ những nước này. Gần đây, khi nhiều nhà máy nguyên phụ liệu của Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia chuyển sang sản xuất tại Trung Quốc thì Trung Quốc trở thành nơi phần lớn các nhãn hàng trên thế giới đặt mua vật tư.

Theo biểu thuế nhằm thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc 2016-2018, doanh nghiệp sản xuất sẽ khó lòng lựa chọn nguyên liệu trong nước khi mà nhập nguyên liệu chính ngạch từ Trung Quốc không còn phải chịu thế nhập khẩu nữa mà giá lại rẻ hơn.

Việt Nam đang được hưởng một số chính sách ưu đãi (thí dụ GSP với EU) hoặc ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều thị trường nhập khẩu lớn như EU, Nhật, Nga, Hàn Quốc... Theo đó, để hưởng được các ưu đãi thì đều có sự ràng buộc nhất định (tuy không nhiều) về giá trị nguyên liệu nội địa hoặc vùng (local value content hoặc region value content). Các nhãn hàng đã bắt đầu quan tâm đến việc sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam, nhưng cũng trong chừng mực vừa đủ để hưởng lợi, phần lớn theo cách khuyến khích các nhà cung ứng cũ di dời, mở rộng cơ sở sang Việt Nam.

Chỉ có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là đặt yêu cầu khá cao về tỷ lệ giá trị nội vùng, vì vậy, trong khoảng hai năm qua, khi TPP ở giai đoạn chuẩn bị ký kết, nhiều khoản đầu tư lớn đã tập trung vào CNHT cho ngành dệt may, da giày. Nhưng đáng buồn là với kết quả bầu cử tổng thống vừa qua tại Mỹ, mà đi cùng với đó có thể là việc Mỹ không tham gia TPP, TPP bị... “phá sản”, nguồn đầu tư vào CNHT sẽ giảm rất mạnh.

Nhóm nguyên nhân từ nội tại của nền sản xuất và tiêu dùng trong nước

Thứ nhất, từ các điều kiện để sản xuất nguyên liệu trong nước.
Về quy mô sản xuất, tiêu dùng cả nước: dù Việt Nam có dân số gần 100 triệu và đời sống có khá lên, nhưng thị trường Việt Nam hiện nay lại đang kích thích nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng hơn là sản xuất ra các nguyên phụ liệu. Đó có thể chỉ là những hiện tượng sai lệch nhưng đáng để chúng ta suy gẫm!
Ngoại trừ một số ngành có lượng tiêu thụ sản phẩm CNHT lớn như dệt may, da giày, phần lớn các ngành khác đều có lượng tiêu thụ khiêm tốn, chưa thể kích thích đầu tư quy mô lớn, tạo nên lợi thế.
Ngay cả đối với ngành dệt may, da giày, dù có lượng tiêu thụ lớn, nhưng như phân tích nêu trên, thì nhu cầu mua nguyên liệu tại chỗ, không phải là lớn.

Thứ hai, từ vai trò của các doanh nghiệp trong nước.

Về bản thân doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu nội địa, chắc không cần phân tích nhiều, mọi người đều hiểu rõ rằng phần lớn doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu nội địa có vốn đầu tư trong nước đều quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, yếu thế về tài chính, quản trị..., không được khách hàng chỉ định. Đó là chưa tính đến năng lực thiết kế ra nguyên vật liệu mới, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng và đáp ứng được các yêu cầu ngày càng gắt gao với những tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của thế giới.

Còn các doanh nghiệp FDI khi quyết định đầu tư vào Việt Nam thì đã có sẵn mai mối, nếu không do khách hàng gợi ý thì họ cũng đi theo các tập đoàn, hoặc theo nhóm doanh nghiệp quốc gia.

Nhìn rộng ra các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong nước, như chúng ta biết, sản xuất lớn nhất của Việt Nam là sản xuất xuất khẩu, trong sản xuất xuất khẩu thì trên 70% năng lực tạo ra từ các doanh nghiệp FDI, mà các doanh nghiệp này đều có dây mơ rễ má với các doanh nghiệp cùng nước. Các doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu mua vật tư từ các nhà xưởng của Hàn Quốc, dù giá có cao hơn một chút. Các doanh nghiệp Đài Loan mua nguyên liệu từ các xưởng của Đài Loan. Doanh nghiệp Việt Nam thì hãy đợi đấy, khi nào thiếu nguồn cung thì mới đến lượt!

Trong số 30% dung lượng xuất khẩu còn lại, tạo ra bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, thì hơn phân nửa là gia công, nguyên liệu được cấp từ nước ngoài. Số doanh nghiệp tự mua nguyên liệu thì phần lớn cũng do khách hàng chỉ định... Tóm lại, doanh nghiệp nguyên liệu trong nước chỉ khai thác từ 15-20% tổng nhu cầu vật tư cho xuất khẩu, một tỷ lệ quá thấp.

Nhóm nguyên nhân từ các chính sách của Chính phủ

Thứ nhất, về chính sách đối với bên ngoài.

Việt Nam mở cửa với hàng loạt quốc gia, thị trường trên thế giới, đặc biệt là ASEAN+ 6, trong đó, đáng chú ý là ASEAN + Trung Quốc. Chỉ cần tham khảo Nghị định số 128/2016 NĐ-CP ban hành ngày 1-9-2016 về biểu thuế nhằm thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc 2016-2018, xem từ chương 60-64 là những vật liệu, hàng hóa có liên quan đến ngành dệt may da giày, sẽ thấy trên 90% dòng thuế đã về 0% ngay từ năm 2016. Như vậy, doanh nghiệp sản xuất sẽ khó lòng lựa chọn nguyên liệu trong nước khi mà nhập nguyên liệu chính ngạch từ Trung Quốc không còn phải chịu thế nhập khẩu nữa mà giá lại rẻ hơn.

Thứ hai, về chính sách bên trong.

Nổi cộm nhất, có lẽ là chính sách khuyến khích sự phát triển công nghiệp hỗ trợ. Sau nhiều lần ban hành bằng các chỉ thị, quyết định... đến ngày 3-11-2015, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phải nhìn nhận rằng đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương. Với chức trách của mình, Bộ Công Thương đã ban hành hàng loạt thông tư để cụ thể hóa nghị định này. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp trong ngành, bản thân nghị định này xem ra chưa đủ sức vực CNHT cả nước nói chung cũng như của ngành dệt may - da giày nói riêng.

Một chính sách khác tác động đến việc phát triển CNHT, đó là chính sách thuế trong nước. Thử so sánh giữa một nhà sản xuất nguyên liệu có vốn đầu tư trong nước và nhà đầu tư FDI, sản xuất cùng loại nguyên liệu:

Khi nhập vật liệu thô về cho việc sản xuất ra nguyên liệu thì nhà đầu tư trong nước phải đóng thuế nhập khẩu vật liệu và 10% thuế giá trị gia tăng (GTGT); trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài nhập theo hình thức sản xuất xuất khẩu sẽ được miễn thuế. Như vậy, với cùng đầu vào là vật tư thô thì nhà đầu tư trong nước đã phải chịu chi phí cao hơn. Các nhà làm chính sách sẽ phản biện rằng tất cả các khoản thuế đó được hoàn lại khi doanh nghiệp bán được hàng, điều này đúng, nhưng rõ ràng là nhà đầu tư trong nước phải chịu chi phí tài chính lớn hơn, họ phải bỏ ra nhiều vốn hơn để sản xuất cùng một loại vật tư.

Đến khi bán hàng, giả sử là cùng loại nguyên liệu và có cùng giá bán thì người bán là nhà đầu tư trong nước sẽ xuất hóa đơn cộng 10% thuế cho người mua. Trong khi đó, nếu người bán là nhà đầu tư FDI và nếu người mua dùng nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu, họ sẽ dùng giải pháp xuất khẩu tại chỗ và không có thuế (phần lớn các doanh nghiệp FDI sản xuất nguyên liệu đều nằm trong khu chế xuất nên đều hưởng chế độ này). Như vậy, người mua là nhà sản xuất xuất khẩu sẽ chuộng mua hàng từ doanh nghiệp FDI hơn, vì họ không phải trả 10% thuế GTGT. Chưa kể là do thanh toán bằng ngoại tệ, họ sẽ có cơ hội để vay ngoại tệ với lãi suất cực thấp. Trong khi đó, nếu mua từ doanh nghiệp Việt Nam thì hoàn toàn không có các lợi thế này.

Qua những phân tích này, rõ ràng, có quá nhiều rào cản, cả từ khách quan và chủ quan, khiến cho CNHT chưa thể phát triển được như kỳ vọng của những nhà làm chính sách kinh tế Việt Nam. Làm cách nào để thúc đẩy phát triển CNHT, thiết nghĩ chỉ cần tập trung tháo gỡ những rào cản này.

(*) Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154425/cong-nghiep-ho-tro-kho-tu-ngoai-lan-trong.html/