Công nghệ và con người phải đồng bộ

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi đóng góp về quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như con người khi xây dựng “Thành phố thông minh” tại buổi tọa đàm “Hiểu thế nào về thành phố thông minh - SC” do báo SGGP tổ chức cuối tuần qua.

Xây dựng SC trên nền tảng công nghệ

Các chuyên gia khuyến cáo một số vấn đề khó khăn có thể xảy ra khi xây dựng SC. Thí dụ, hệ thống cảm biến bị hỏng không báo cháy, hệ thống tự động điều khiển giao thông trên đường cao tốc bị hỏng khiến xảy ra tai nạn liên hoàn, hệ thống máy tinh bị hỏng ở sân bay làm cho hoạt động bị tê liệt. Khi SC phát triển cao tạo ra một xã hội lạnh lùng, cô đơn, tách biệt. Quan hệ mặt đối mặt chuyển sang quan hệ gián tiếp sẽ làm mất xúc cảm, tình cảm và sự quan tâm lẫn nhau…

Ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng Biên tập báo SGGP, cho biết TPHCM đang triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ đột phá, trong đó xây dựng SC (Smart City) là giải pháp quan trọng, giúp TP phát triển ngày càng nhanh, mạnh hơn. Tuy nhiên chúng ta phải thực hiện như thế nào, lộ trình ra sao, chuẩn bị nguồn nhân lực như thế nào…

Buổi tọa đàm này nhằm lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước… Từ đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nói chung và báo SGGP nói riêng góp thêm một kênh thông tin đến với lãnh đạo TP cho quá trình xây dựng SC, hướng đến TPHCM hiện đại, văn minh, nghĩa tình.

PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững châu Á tại TPHCM, cho biết, ý tưởng về SC xuất hiện vào đầu thế kỷ 21, đến khoảng năm 2005 khái niệm SC được chính thức công bố trên diễn đàn quốc tế.

Khát vọng trở thành SC trở nên mãnh liệt đối với nhiều quốc gia, đặc biệt Singapore tham vọng trở thành Quốc gia thông minh, nhưng cho đến nay mới chỉ có 4 TP được coi đạt đến thông minh ở các cấp độ khác nhau là Putrajaya của Malaysia, Songdo của Hàn Quốc, TP Đại học Quảng Châu của Trung Quốc và Dubai của Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Singapore đang phấn đấu trở thành TP thông minh vào năm 2030.

Muốn xây dựng SC phải có nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, vạn vật được kết nối, tự động hóa trong hầu hết hoạt động của SC. Hệ thống hạ tầng của các loại hình dịch vụ, lĩnh vực áp dụng phải đảm bảo hiện đại, đồng bộ để tiếp nhận được công nghệ mới. Trình độ và mặt bằng phát triển không chênh nhau với công nghệ và kỹ thuật SC.

Thí dụ, bệnh viện, trường học phải hiện đại tương hợp với công nghệ và kỹ thuật ICT định ứng dụng. Phải có kho dữ liệu lớn, đầy đủ, chính xác cho lĩnh vực muốn ứng dụng, thường xuyên cập nhật. Nếu thiếu, sai, chậm đều không mang lại kết quả như mong muốn.

Thí dụ, người dân biết được thông tin thời tiết mưa lớn ở đâu, vũ lượng bao nhiêu, ngập đến đâu, đường nào? Để từ đó quyết định hành động như đón, đi vòng tránh đường nào, ngắt điện ở nhà khi đang mưa… Muốn như vậy phải có nhiều trạm quan trắc, có trung tâm tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu, kết nối nhanh với các nhà mạng, công ty viễn thông, tivi…

Dân trí biết sử dụng các công nghệ và kỹ thuật mới. Tài chính cá nhân đủ để mua các thiết bị tối thiểu như laptop, smartphone, camera… Ngoài ra phải có đội ngũ chuyên gia giỏi không chỉ về công nghệ thông tin mà còn là nhà kinh tế, xã hội, tâm lý hàng đầu. Bởi bài toán SC không thuần túy là IT mà là những vấn đề xã hội.

Thực hiện lộ trình nào?

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng mục đích cuối cùng là làm được những điều hữu ích đóng góp vào sự phát triển cho đất nước nói chung và TPHCM nói riêng. Trong quá trình xây dựng SC cần có sự phản biện để đi đến những ý tưởng đúng đắn nhất trước khi triển khai. Thí dụ, xây dựng SC trình độ dân trí cần phải cao, bên cạnh người lãnh đạo phải giỏi.

“Nên chăng chúng ta bắt đầu xây dựng SC từ những việc nho nhỏ như xây dựng khu phố thông minh, con hẻm, con đường thông minh… từ đó phát triển lên” - ông Nghĩa đề xuất. PGS. TS Thoại Nam, Trưởng khoa máy tính (Đại học Bách khoa TPHCM), cho rằng TPHCM đang thực hiện SC như người dân ngồi nhà có thể nộp hồ sơ, đóng tiền điện nước qua internet.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển Việt Nam, cho rằng cần nâng dần hàm lượng khoa học công nghệ vào quản lý nhà nước, dịch vụ công. “Chúng ta đang đi qua bẫy thu nhập trung bình, hạ tầng kỹ thuật còn nhiều bất cập, do đó muốn xây dựng SC cần phải nâng cấp hạ tầng kỹ thuật” -TS. Nguyên đề nghị.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ý kiến các sở QHKT, Xây dựng, GTVT, TN-MT đều cho biết hiện nay thiếu sự kết nối về dữ liệu, công nghệ giữa sở này với sở kia. Ông Lê Minh Triết, đại diện Sở GTVT, cho rằng thông minh là làm sao ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc tốt hơn, người dân cũng có thể biết được những dữ liệu đó để phục vụ cuộc sống của mình tốt hơn. Hiện nay các dữ liệu này chưa được mở, các trung tâm chưa được kết nối, sở này muốn có dữ liệu của ngành khác phải đi xin.

Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm kiến nghị TP nên chọn một số lĩnh vực bức thiết với cuộc sống người dân, cản trở sự phát triển của TP để “thông minh trước”, hay phát triển trong một số khu vực có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, dân trí. Thí dụ, chọn một vài địa điểm như khu đô thị đại học quốc gia TPHCM 647ha, Khu công nghệ cao, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tới đây là Thủ Thiêm 650ha làm thí điểm. Hay lựa chọn một số lĩnh vực, một vài trục giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, quản lý du lịch thông minh, bệnh viện thông minh…

Hiến giải pháp cho gánh hàng rong

(ĐTTC) - Cuối tuần qua, tại Ngày hội Du lịch TPHCM, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thuộc Thành Đoàn TPHCM tổ chức diễn đàn về khởi nghiệp để các bạn trẻ hiến kế cho việc bố trí lại hoạt động các gánh hàng rong. Hơn 100 bạn trẻ tham gia diễn đàn này, trong đó có 25 bạn đưa ra ý tưởng cụ thể về việc quy hoạch, bố trí hoạt động của các gánh hàng rong đang bị ảnh hưởng bởi chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè.

TPHCM hiện có hơn 19.000 cơ sở bán thức ăn đường phố, trong đó có gánh hàng rong. Các bạn trẻ cho rằng nỗ lực lập lại trật tự vỉa hè của TP đang thực hiện là việc phải làm. Tuy nhiên, kinh doanh gánh hàng rong và nói rộng ra là thức ăn đường phố đang là nguồn sống của rất nhiều gia đình, chủ yếu là gia đình nghèo và cũng là một nét văn hóa ẩm thực của TPHCM. Vì thế, các gánh hàng rong bị ảnh hưởng nên chuyển dần sang kinh doanh bằng một số hình thức khác như bán qua mạng, bán ở khu vực quy định, mở cửa hàng nhỏ bán cho người mang đi, giao hàng tận nơi…

Bạn Nguyễn Thanh Thảo, 2 năm trước khởi nghiệp bằng việc bán bánh tráng trộn ở vỉa hè, giờ chuyển sang bán trên mạng- giao hàng tận nơi với đối tượng khách hàng cụ thể là nhân viên văn phòng. Hiện Thảo còn hỗ trợ cho hàng chục người bán hàng rong khác không am hiểu về công nghệ, được bán hàng trên trang cá nhân và website, sử dụng đội ngũ giao hàng của Thảo. Theo Thảo, các bạn trẻ hoàn toàn có thể khởi nghiệp từ gánh hàng rong, đồng thời hỗ trợ cho những người bán hàng rong khác bằng kiến thức về công nghệ, thị trường của mình. “Khi chuyển từ bán hàng rong sang online cần thuê 1 mặt bằng nhỏ để vừa bán tại chỗ vừa bán online sau đó sẽ chuyên về online. Khi bán online, khách hàng có nhiều thời gian xem về chất lượng sản phẩm, người bán cần đảm bảo hàng hóa mình đăng bán” - Thảo cho biết.

T. Trinh

Hoàng Anh

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20170325/cong-nghe-va-con-nguoi-phai-dong-bo.aspx