Công nghệ trọng tài video: Mặt hạn chế báo hại U20 Việt Nam

Vận hành bằng con người, trao quyền quyết định muốn xem video hay không cho trọng tài chính, VAR đã bắt đầu bộc lộ hạn chế, tự chứng minh nó chưa phải giải pháp hiệu quả nhất.

Công nghệ trợ lý trọng tài video (VAR) được thử nghiệm tại FIFA Club World Cup hồi cuối năm 2016. FIFA đang tiếp tục áp dụng nó tại U20 World Cup 2017 và hàng loạt giải trẻ khác trước khi thử nghiệm cho các hệ thống giải lớn hơn như World Cup hay UEFA Champions League.

U20 Việt Nam chịu thiệt

Công nghệ trợ lý trọng tài video (VAR) được đánh giá tích cực nhưng trên thực tế, nó vẫn chỉ được điều khiển bởi con người, với những quyết định đưa ra bằng mắt thường. Nếu có sai sót, VAR vẫn tạo bất công, vốn dĩ là điều đầu tiên và sau cùng mà VAR muốn xóa bỏ. Ngay trong trận U20 Việt Nam vs U20 New Zealand, mặt hạn chế đã hiện hữu.

Cụ thể, vào phút 36 của trận đấu thuộc bảng E, hậu vệ Ashworth bên phía U20 New Zealand để bóng chạm tay trong vòng 16,5 mét sau pha xử lý của Đức Chinh . Trọng tài không thổi phạt đền dù Thanh Bình phản ứng quyết liệt. Vị vua áo đen đứng ngay đằng sau không có ý kiến. Hai khả năng có thể đã xảy ra: thứ nhất, các trợ lý trọng tài video bỏ sót tình huống này. Đây cũng là hạn chế đầu tiên của VAR.

Hai là, không loại trừ khả năng các trợ lý ra tín hiệu báo phạm lỗi nhưng trọng tài chính khẳng định ông tự tin với quyết định của mình. Đây là hạn chế thứ hai.

Cùng tìm hiểu về quy trình hoạt động của VAR để thấy rằng vì sao nó là một bước tiến mới nhưng vẫn tồn tại mặt hạn chế.

Pha để bóng chạm tay của cầu thủ New Zealand. Ảnh: Tiến Tuấn.

Vài nét về VAR

Công nghệ này nhằm giúp trọng tài chính trên sân xử lý chính xác các tình huống gây tranh cãi có liên quan tới: bàn thắng, có hành vi phạm lỗi trong quá trình xây dựng tình huống dẫn đến bàn thắng hay không; quyết định thổi phạt đền; quyết định thẻ đỏ trực tiếp; bỏ lỡ tình huống phạm lỗi có thể rút thẻ vàng, thẻ đỏ.

Một nhóm trợ lý trọng tài (tối thiểu 2 người) ngồi trên một căn phòng riêng của khán đài sân vận động và xem mọi diễn biến của trận đấu qua màn hình. Khi phát hiện lỗi rõ ràng nhưng bị trọng tài chính bỏ qua, họ sẽ phát tín hiệu đến tất cả trọng tài trên sân để xem lại tình huống qua truyền hình.

Sau đó, trọng tài chính sẽ có ba hướng để ra quyết định: thứ nhất là, nghe theo lời khuyên của trợ lý video, thổi phạt nguội. Thứ hai, trọng tài chính sẽ ra hiệu xin xem lại tình huống bằng cách dùng ngón tay vẽ hình chữ nhật rồi đi đến nơi đặt màn hình video. Và cuối cùng, vua áo đen ra hiệu rằng ông ta tự tin với quyết định của mình, không cần đến VAR.

Tổ trọng tài video theo dõi trận đấu qua các màn hình.

Như vậy có thể thấy: quyết định cuối cùng vẫn sẽ thuộc về trọng tài chính, từ việc họ có đồng ý hay không với quyết định của mình sau khi xem lại tình huống, cho đến việc liệu có cần thiết phải xem rồi mới ra quyết định.

Chiếu theo trường hợp của U20 Việt Nam, VAR bộc lộ hạn chế vì vẫn trao toàn quyền quyết định muốn xem lại tình huống cho trọng tài chính. Đi xa hơn, chừng nào trọng tài vẫn nắm quyền tối thượng, bất công vẫn xảy ra. Nói theo thuyết âm mưu, thế lực ngầm hoàn toàn có thể nhúng tay can thiệp trận đấu (không cứ gì trận của U20 Việt Nam).

Một số quy định khác về VAR

Theo luật FIFA, trọng tài được phép dừng trận đấu để xem lại video hoặc nghe lời cố vấn nhưng không được làm vậy nếu một trong hai đội đang có thế trận tấn công sáng sủa.

Cầu thủ có hành vi ra hiệu yêu cầu trọng tài xem video sẽ bị phạt thẻ vàng. Cầu thủ đi vào khu vực trọng tài đang xem video cũng chịu hình phạt tương tự. Thành viên ban huấn luyện thực hiện hành vi này sẽ bị đuổi lên khán đài.

Lịch sử áp dụng trọng tài video

Hội đồng bóng đá quốc tế (IFAB) cho phép áp dụng thử nghiệm VAR từ tháng 6 năm 2016. Đến tháng 8, một trận đấu tại Mỹ đã viết trang đầu tiên trong lịch sử VAR khi trọng tài Ismail Elfath xem lại hai pha phạm lỗi, sau đó rút ra một thẻ đỏ và một thẻ vàng.

Một tháng sau, VAR tiếp tục được sử dụng trong trận giao hữu quốc tế giữa Pháp và Italy.

Trọng tài đầu tiên trên thế giới xem lại video.

Ngay ở trận đấu thứ tư tại FIFA Club World Cup cuối năm 2016, VAR được trọng tài người Hungary Viktor Kassai áp dụng. Cụ thể, trong trận đấu giữa nhà vô địch Nam Mỹ Atletico Nacional và đội chủ nhà Kashima Antlers, ông Kassai đã tham khảo ý kiến của "máy móc" trước khi cho đội bóng Nhật Bản Kashima Antlers được hưởng quả phạt đền.

Đó là quyết định chính xác của ông vua áo đen dù nó nhận phải rất nhiều phản ứng trái chiều. Trận đấu đó, Kashima Antlers tận dụng thành công quả penalty ở phút 33 và thắng 3-0 chung cuộc.

Trở lại với U20 World Cup 2017. Trong trận đấu giữa U20 Argentina gặp U20 Anh hôm 20/5, VAR đã giúp trọng tài đưa ra quyết định ở phút 75.

Theo đó, trọng tài Mohammed Abdullah Hassan quyết định xem lại video qua màn hình bên đường biên. Video quay chậm cho thấy cầu thủ Martinez của Argentina đánh cùi chỏ với cầu thủ Fikayo Tomori bên phía U20 Anh.

Với sự trợ giúp của VAR, trọng tài Hassan đã rút ra một chiếc thẻ đỏ trực tiếp và đuổi cầu thủ 19 tuổi ra khỏi sân sau khoảng một phút thảo luận. Đây là một quyết định gây tranh cãi. Pha quay chậm cho thấy Martinez đã dùng cùi chỏ thúc vào mặt Tomori nhưng dường như cầu thủ người Argentina không hề cố ý.

Trong trận Italy vs Uruguay hôm 21/5, phải 3 phút sau khi tình huống diễn ra, trọng tài mới thổi penalty cho Uruguay. Được trao cơ hội vàng nhưng cầu thủ De La Cruz đá hỏng.

Nguồn: Zing.vn

Anh Dũng | 20:21 22/05/2017

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/cong-nghe-trong-tai-video-mat-han-che-bao-hai-u20-viet-nam-d394549.html