Công nghệ đi sau 100 năm, phim Việt đang tụt hậu so với thế giới

Thời gian gần đây, phim Việt được đầu tư nhiều tiền của hơn, phim được sản xuất ra nhiều hơn nhưng tại sao chúng ta vẫn bị tụt hậu…

Những năm gần đây, thị trường phim Việt đã có nhiều biến chuyển và sôi động. Hàng loạt các bộ phim “bom tấn”, “bom tạ” được quảng cáo rầm rộ và thu hút sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, thực tế khi ra rạp nhiều phim vẫn cứ chết.

Một thời điện ảnh Việt đã từng đặt dấu ấn với điện ảnh thế giới. Thế nhưng thời gian gần đây, khi phim Việt được đầu tư nhiều tiền của hơn, phim được sản xuất ra nhiều hơn nhưng tại sao chúng ta vẫn trở nên tụt hậu…. Vì sao khi điều kiện càng lên cao điện ảnh nước nhà lại càng tụt hậu?

 Phim truyền hình Việt dễ nhàm chán bởi quanh đi quẩn lại cũng có vài giọng lồng tiếng.

Phim truyền hình Việt dễ nhàm chán bởi quanh đi quẩn lại cũng có vài giọng lồng tiếng.

Đối với phim Việt tình trạng chung của khán giả hiện nay là cảm thấy nhàm chán. Chưa nói đến vấn đề kịch bản hay dở thế nào nhưng chỉ tính riêng về công nghệ chúng ta đã và đang đi sau thế giới gần 100 năm (bộ phim đầu tiên dùng công nghệ thu tiếng trực tiếp là từ năm 1927). Trong khi thế giới đang từng bước loại bỏ công nghệ lồng tiếng đã quá lạc hậu thì Việt Nam vẫn duy trì, ngay cả những bộ phim được đầu tư công phu nhất.

Đơn cử như bộ phim "Zippo, mù tạt và em", dù được quảng bá là một trong những phim truyền hình đáng mong chờ nhất 2016 nhưng khi lên sóng, khán giả đã quá thất vọng vì hàng loạt lỗi có hệ thống. Nổi bật trong đó là lỗi lồng tiếng.

Việc lồng tiếng cho diễn viên Nhã Phương khiến nhiều khán giả bức xúc vì lời thoại và hành động của diễn viên hoàn toàn không trùng khớp. Zippo, mù tạt và em chỉ là một trong nhiều bộ phim truyền hình không có đủ điều kiện để làm phim thu âm trực tiếp từ trường quay. Ngay cả với bộ phim phối hợp cùng điện ảnh nước ngoài như Tuổi thanh xuân cũng đang mất điểm vì lồng tiếng quá dở.

Bên cạnh đó, với ê kip lồng tiếng chỉ quanh đi quẩn lại ở một vài giọng nói nên nhiều lần khán giả giật mình với dàn diễn viên được “đổi giọng” như theo "tour".

Cảnh cháy nổ còn thủ công và đầy nguy hiểm.

Vài năm trở lại đây, việc số hóa điện ảnh đang là xu hướng dịch chuyển của điện ảnh toàn thế giới. Cho tới năm 2014, đa số các nền điện ảnh trên thế giới đã được số hóa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số hóa mới đang là mục tiêu và tiến trình chuyển đổi còn rất chậm. Ngay cả Cục Điện ảnh cũng chưa có thiết bị duyệt phim số. Thực tế, các đơn vị xin duyệt phim vẫn phải tốn tiền in phim KTS sang phim nhựa để Cục duyệt. Có lúc, Cục phải duyệt phim bằng bản DVD. Điều này cho thấy, nền điện ảnh của chúng ta vốn đã lạc hậu với thế giới nay còn đi rất chậm trong công cuộc số hóa. Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định số hóa đang là xu hướng không thể cưỡng lại, vì thế nếu chậm chân, nền điện ảnh của chúng ta không chỉ tụt hậu mà còn có nguy cơ bị xóa sổ.

Phim cổ trang giống với cải lương hay tuồng thì đúng hơn.

Nhiều năm gần đây, nền điện ảnh nước nhà đã có sự phát triển đáng kể. Thế nhưng, những yếu kém về công nghệ làm phim đang khiến chúng ta đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Chính sự tụt hậu này đã khiến phim Việt Nam trở nên "lẻ bóng".

Trần Phương

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/cong-nghe-di-sau-100-nam-phim-viet-dang-tut-hau-so-voi-the-gioi-a307940.html