Công nghệ 4.0: Từ cơ hội tuyệt vời có thể trở thành thảm họa khủng khiếp

Không thể phủ nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế Internet of things (IoT) là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng nếu thiếu những sự chuẩn bị cần thiết, cơ hội đó rất có thể sẽ trở thành một thảm họa khủng khiếp.

Duncan Brown, giám đốc phụ trách nghiên cứu tại hang phân tích IDC nhận định: “Từ chiếc bóng đèn cho đến trạm năng lượng nguyên tử, không có thiết bị nào chưa từng bị hack ở mức độ nào đó. Chỉ cần kết nối một thiết bị với Internet thì nó đều có thể trờ thành mục tiêu bị tấn công”.

Cơn ác mộng về bảo mật trong IoT đang là vấn đề làm đau đầu ngay cả các chuyên gia kỳ cựu nhất cũng như những gã khổng lồ về công nghệ.

Kaspersky Lab đã đưa ra những con số đáng giật mình về vấn đề an ninh mạng. Tháng 01.2016, cứ 2 phút lại có một cuộc tấn công mã hóa dữ liệu các doanh nghiệp để đòi tiền chuộc. Chỉ đến tháng 10.2016, con số này chỉ còn là 40 giây. Thậm chí ở mức độ của người dùng, tỷ lệ này còn khủng khiếp hơn nhiều khi giảm từ 20 giây xuống còn 10 giây. Và đó mới chỉ là một mảng nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về cơn ác mộng bảo mật trong xu thế hiện nay.

Một xã hội “thông minh” với vô vàn tiện ích cho con người đã dần hình thành và ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet cũng tiềm ẩn những nguy cơ hết sức khó lường. Ảnh minh họa.

Không chỉ dừng lại doanh nghiệp hay người dùng cá nhân, các hacker còn nhắm đến những “con mồi” lớn hơn nhiều mà ví dụ điển hình là các cuộc tấn công bởi Mirai IoT Botnet xảy ra cuối năm 2016 vừa qua.

Trong tháng 9 và tháng 10, những kẻ tấn công, chưa xác định được danh tính, đã sử dụng mạng botnet của một loạt các thiết bị Internet of Things nhiễm mã độc Mirai để thực hiện DDoS.

Mirai là một mã độc cho phép các hacker truy cập vào hàng loạt các thiết bị thông minh kết nối IoT từ xa, như camera an ninh, sau đó tạo ra một mạng botnet và thực hiện các cuộc tấn công DDoS với quy mô cực lớn.

Một cuộc tấn công DDoS cũng sử dụng mã độc Mirai đã khiến cho hàng loạt trang web nổi tiếng tại Mỹ không thể truy cập. Theo các chuyên gia, đã có tới 100.000 thiết bị IoT bị nhiễm Mirai và tham gia vào cuộc tấn công này.

Cũng theo các chuyên gia, những cuộc tấn công theo cách này hoàn toàn có thể đánh sập toàn bộ mạng Internet của bất kỳ quốc gia nào.

Với sự phát triển chóng mặt của IoT, an ninh mạng đã trở thành vấn đề nhức nhối của toàn thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã ghi nhận 8.758 vụ tấn công giả mạo, 77.160 vụ tấn công thay đổi giao diện website và 41.712 vụ tấn công do mã độc.

Đại diện VNCERT cũng cho biết, trong thời gian qua đã có rất nhiều vụ tấn công vào các hệ thống tài chính, ngân hàng, các hệ thống thông tin quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp được ghi nhận. Ngoài ra, theo VNPT Technology đáng lưu ý nhất trong số các vấn đề về an ninh mạng khi IoT phát triển mạnh là sự xâm nhập trái phép đối với hệ thống, thiết bị và vấn đề bảo mật thông tin.

Với những nguy cơ như trên, làn sóng IoT hoàn toàn có thể trở thành cơn "đại hồng thủy" nhấn chìm các nạn nhân trong cơn ác mộng khủng khiếp nhất.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải chuẩn bị con thuyền Noah của mình như thế nào?

Trách nhiệm nặng nề nhất trong việc đảm bảo an toàn an ninh mạng trong kỷ nguyên IoT thuộc về các cơ quan, tổ chức và các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, những người dùng cũng cần có những biện pháp nhất định để bảo vệ chính mính.

Đại diện của VNPT Technology cho rằng đối với người dùng, cách hiệu quả nhất là nâng cao cảnh giác, áp dụng các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân và tránh sử dụng các hệ thống, thiết bị không rõ nguồn gốc, kết nối dữ liệu đến các địa chỉ không xác định.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, đến năm 2020, giá trị mà mô hình IoT đem lại có thể lên đến 1,9 nghìn tỷ đô la với khoảng 25 tỉ thiết bị được kết nối.Không đứng ngoài xu thế chung của thế giới, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những hành động cụ thể để theo kịp kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet.

Chính phủ không chỉ ủng hộ các doanh nghiệp phát triển, ứng dụng công nghệ IoT mà mô hình chính phủ điện tử trong quản lý hành chính vẫn đang được hoàn thiện và phát triển. Cộng đồng mở IoT Việt Nam (IOCV) được thành lập cũng như cuộc thi khởi nghiệp IoT là những minh chứng cụ thể cho xu thế phát triển của IoT tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như VNPT Technology, BKAV, FPT … đã tham gia nghiên cứu ứng dụng công nghệ IoT, nghiên cứu đưa ra nền tảng cho các nhà phát triển xây dựng ứng dụng. Các giải pháp dựa trên mô hình IoT thể hiện hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, nổi bật là nông nghiệp, y học, giao thông.

Xu thế phát triển các ứng dụng dựa trên mô hình IoT cũng được giới startup Việt Nam hết sức quan tâm.

Phạm Sơn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cong-nghe-40-co-hoi-tuyet-voi-co-the-tro-thanh-tham-hoa-khung-khiep-c7a513881.html