Còng lưng trả nợ sau đám cưới vì ế tiệc

Chọn cỗ đắt tiền mà khách mời bình dân, tiệc cưới của chị Giang trống hơn 10% số bàn.

Dưới đây là chia sẻ của chị Hương Giang, 31 tuổi, sống tại TP HCM về những lãng phí tài chính khi tổ chức đám cưới của mình.

Tuần trước, tôi vừa đi đám cưới một cô bạn đồng nghiệp, thấy trống đến khoảng 6-7 bàn, nhìn đám cưới buồn hẳn. Cám cảnh cho đám cưới thiếu khách, tôi lại nhớ đến câu chuyện của mình. Vợ chồng tôi vẫn chưa trả hết nợ sau đám cưới vì ế tiệc.

Tôi và chồng vốn là bạn học cùng trường cấp ba, chơi trong một nhóm đông, mãi đến tháng 3/2016 mới bắt đầu yêu nhau. Quá quen thân lại cũng sang "đầu ba", nên chỉ sau một tháng yêu, cả hai tính đến chuyện cưới hỏi luôn. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức vào giữa tháng 7.

Thời gian từ khi quyết định cưới đến lúc tổ chức đám khá ngắn nên chúng tôi gần như không chuẩn bị tài chính gì cho sự kiện này. Thực ra, sau khoảng 7 năm ra trường, hai đứa cũng tích góp được ít tiền nhưng không nhiều vì cả hai đều thích đi du lịch.

Chúng tôi chỉ có khoảng 50 triệu, trong đó chi phí chụp ảnh cưới, thuê 3 bộ váy mặc trong tiệc cưới và trang điểm cô dâu trọn gói hết 15 triệu. Trầu cau, bánh trái trong lễ ăn hỏi, rước dâu hết khoảng 20 triệu nữa. Các khoản in thiếp, thuê xe, hoa cưới, làm rạp ở nhà cũng hết hơn 10 triệu. Tức là số tiền để dành của chúng tôi vừa đủ để thực hiện những nghi lễ cưới xin ở nhà.

Nhà bố mẹ chồng tôi ở quận Phú Nhuận, TP HCM, chúng tôi được cho một phòng nhỏ 15 m2 để ở sau cưới. Hai đứa chỉ sắm giường, nệm, tủ quần áo mới, hết hơn 30 triệu, mua ở dạng trả góp.

Chúng tôi suy nghĩ đơn giản, tiệc cưới khách đến dự sẽ có phong bì mừng nên không phải lo. Ban đầu, cả hai chỉ định làm một tiệc cưới đơn giản, mời họ hàng và những người bạn thân thiết. Thế nhưng, sau khi chúng tôi đăng ảnh cưới lên Facebook, bao nhiêu bạn học cũ vào bình luận và nhắn nhe đám cưới nhớ mời chúng. Thấy bạn bè có vẻ nhiệt tình, chúng tôi hào hứng lắm. Vậy là cả hai quyết định sẽ tổ chức một tiệc cưới thật nhiều khách, cũng là dịp để bạn bè cũ gặp nhau.

Nhà tôi bên quận Tân Phú, hai gia đình cách nhau khoảng 7km, vì thế chúng tôi tổ chức tiệc gộp chung cả hai nhà. Đi đặt nhà hàng khi đã cận ngày nên chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Sợ tắc đường, chúng tôi chấm một trung tâm tiệc cưới khá sang trọng nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận. Trong danh sách thực đơn, giá một bàn (10 người) dao động từ 4 đến 11 triệu, chúng tôi chọn mức giữa, 7,5 triệu.

Đám cưới của chúng tôi đặt 60 bàn và thừa mất 8 bàn. Tiền mừng đám cưới chỉ được 350 triệu trong khi tiền tiệc phải trả cho nhà hàng là 450 triệu. Tôi thất vọng nhất là nhiều đứa bạn đòi mời cưới bằng được nhưng cuối cùng không đi.

Chúng tôi đã mắc số sai lầm nghiêm trọng khi chọn thực đơn đắt tiền trong khi cô dâu chú rể cũng như khách dự tiệc không quá giàu có. Bạn của bố mẹ chúng tôi đều đã về hưu. Họ hàng ở dưới quê quen ăn tiệc cưới ở quê mừng ít tiền. Bạn bè, đồng nghiệp của chúng tôi đa số cũng chỉ là những người có thu nhập ở mức trung bình. Hình như nhiều người thấy chỗ sang trọng quá nên ngại đi, chỉ gửi phong bì mừng tượng trưng.

Chúng tôi cũng sai lầm nghiêm trọng khi mời bao nhiêu người thì đặt bàn số suất ăn gần bằng đó, trong khi có những khách không thực sự thân thiết. Chưa kể, vào tháng 7, Sài Gòn thường mưa vào chiều, và đám cưới của tôi cũng bị dính mưa, nhiều khách ngại không đến.

Dù xác định không kinh doanh khi làm tiệc cưới, vui là chính nhưng rõ ràng, chả ai vui khi mình mắc nợ sau đám cưới. Nếu bán hết số vàng và nữ trang do bố mẹ, anh chị tặng, chúng tôi có thể thu về 70 triệu nhưng cả hai không dám bán. Một năm qua, chúng tôi vẫn cần mẫn làm việc trả nợ, vợ chồng son mà cưới xong không dám đi đâu. Chúng tôi cũng phải tạm hoãn kế hoạch có con vì không muốn mang bầu khi còn mắc nợ.

Theo Vnexpress

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/cong-lung-tra-no-sau-dam-cuoi-vi-e-tiec-p51760.html