Công lực và công luận

Ai xem phim hình sự phương Tây cũng đều thấy là trước khi phải dùng quyền lực của mình đối với người dân, tất cả các thanh tra cảnh sát mặc thường phục đều trưng ra thẻ ngành cho đối tượng họ tiếp cận thấy rõ. Động tác này nhằm thông báo cho người liên quan biết rằng mình đang đứng trước một nhân viên công lực đang thi hành công vụ.

Không rõ trong vụ cảnh sát hình sự Ngô Quang Hưng thuộc Công an huyện Đông Anh, Hà Nội “xô xát” (chữ dùng của công an) với phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ, anh Hưng có trưng ra thẻ ngành để buộc anh Thế thực hiện yêu cầu của mình hay không. Nhưng trong diễn tiến câu chuyện được kể lại trên các phương tiện truyền thông không thấy đề cập đến chi tiết này.

Trước đó, Công an huyện Đông Anh, đơn vị quản lý anh Hưng, đã tổ chức cho anh Hưng xin lỗi anh Thế. Lẽ ra sự việc có thể dừng lại ở đây nếu như sau đó công an không ra quyết định xử phạt anh Thế vi phạm sáu lỗi với tổng số tiền phạt hơn 14 triệu đồng. Đến đây thì dường như sự việc đã diễn tiến theo một hướng khác.
Công an có quyền đưa ra kết luận điều tra để ra quyết định xử phạt, và các quyết định đó phải dựa trên chứng cứ đúng và các điều luật chính xác. Ngày nay, với các phương tiện hiện đại - ghi âm, ghi hình, Internet, mạng xã hội - cơ quan công lực không thể dễ dàng áp đặt ý muốn chủ quan của mình lên công luận nếu công luận có khả năng theo dõi, tìm hiểu. Trong câu chuyện Hưng - Thế, với những gì đã được trưng ra dưới con mắt công luận, có vẻ như từ việc nhận lỗi ban đầu, cơ quan công lực đã đi quá đà.

Với công luận, những khung hình trên mạng ghi lại cảnh vung tay đấm, giơ chân đá của anh Hưng khó có thể gọi là “gạt tay vào má” như một lãnh đạo của Công an Hà Nội đã nói với báo chí. Nếu hành động này chỉ là “gạt tay vào má”, thì nhiều vụ hành hung hay xâm phạm thân thể người khác cũng khó mà kết tội.

Một trong các lỗi xử phạt phóng viên Quang Thế là “lợi dụng tư cách của nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân” với mức phạt 7,5 triệu đồng. Một phóng viên đang cố gắng tác nghiệp để đưa tin và bị hành hung mà bị phạt như thế, công luận sẽ nghĩ gì?

Thêm nữa, một nhà nước pháp quyền cũng không cho phép cơ quan công lực hành xử tùy tiện, đơn giản là vì luật lệ đã quy định chặt chẽ. Nếu một cơ quan vận dụng luật không đúng để ra quyết định phạt, người liên quan có quyền nhờ đến sự bảo vệ của các bên độc lập khác. Trong sự việc trên, một số thể nhân độc lập đã lên tiếng. Họ là các luật sư, hoặc người đang hay từng làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật - như tòa án, kiểm sát, tư pháp - và đều lập luận thuyết phục bằng cách dẫn ra các điều luật hiện hành để chứng minh quyết định xử phạt là thiếu thuyết phục.

Với những tình huống tương tự, có lẽ thái độ cần có là giải quyết đúng bản chất sự việc để thuyết phục công luận. Công luận rất công tâm, không thương ai, ghét ai. Họ sẽ ủng hộ lẽ phải nếu được cung cấp những bằng chứng xác thực. Nếu công luận đã đứng về phía đưa ra được đầy đủ lý lẽ và chứng cứ thuyết phục, ý kiến của họ cần được tôn trọng nhằm thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân. Xét cho cùng, công luận từ người dân mà ra và chúng ta chắc cũng không quên rằng công quyền và công lực vốn được sinh ra cũng chỉ để phục vụ nhân dân mà thôi.

Cuối tuần qua, công luận lại soi thêm một vụ ứng xử của cơ quan công lực. Lần này là ở TPHCM khi một anh công an đang thi hành công vụ nắm tóc lôi một người dân vì buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Anh này sau đó đã bị đình chỉ công tác. Trong thực tế cho dù có những sự việc khó rạch ròi ai đúng, ai sai nhưng các cơ quan công lực cần hành xử đúng mực vì công luận rất quan tâm đến ranh giới nhiều khi rất mong manh giữa sử dụng quyền và lạm quyền của họ.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152256/cong-luc-va-cong-luan.html/