Công khai tài sản công trên chính tài sản đó

Về hình thức công khai tài sản công, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị bổ sung một hình thức công khai, đó là công khai trên chính tài sản công đó.

Chiều 10-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Cho rằng khái niệm tài sản công đã được hiến định nên đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị khái niệm tài sản theo Điều 3 được viết lại theo Hiến pháp vì chúng ta cũng rất khó cụ thể nội dung này trong luật. Việc cụ thể hóa tài sản công sẽ được dự thảo Luật làm rõ hơn ở Điều 4, về phân loại tài sản công.

Việc thay cụm từ "tài sản nhà nước" bằng cụm từ "tài sản công" đã được hiến định, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, dự thảo Luật Đấu giá tài sản chuẩn bị trình Quốc hội thông qua cần dùng cụm từ "tài sản công" thay thế cho nội dung quy định "tài sản nhà nước" tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3. Các cơ quan cũng cần rà soát để dùng từ "tài sản công" một cách hợp hiến cho các văn bản sau này.

Liên quan đến việc công khai thông tin tài sản công. Khoản 2, Điều 8 quy định các hình thức công khai tài sản công, gồm đăng tải trên cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai, công bố tại các kỳ họp các hình thức công khai theo quy định của pháp luật - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, quy định như trên là chưa đảm bảo việc giám sát thường xuyên của người dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung một hình thức công khai, đó là công khai trên chính tài sản công đó. Theo đó, bao gồm các thông tin cơ bản như cơ quan quản lý tài sản công, đối tượng được giao sử dụng tài sản công. Mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng tài sản công và các thông tin khác và sẽ giao lại cho Chính phủ quy định các loại tài sản công phải công khai theo hình thức này.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, đối với đất đai, trụ sở, cần gắn biển hiệu; đối với phương tiện, thiết bị ta dán nhãn.

Đại biểu nêu thí dụ, theo đó đối với đất lâm trường, tại trụ sở hoặc lối đi vào lâm trường sẽ đặt biển có thông tin về cơ quan quản lý, đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng, tọa độ, diện tích sử dụng đất và thời gian giao đất. Hay đối với xe công thì sẽ dán nhãn có thông tin là cơ quan quản lý xe, đối tượng sử dụng xe, xe được dùng chung hay dùng riêng, thời gian sử dụng xe.

“Quy định như vậy cũng để chúng ta theo dõi, đánh giá lại việc sử dụng xe công còn lãng phí là do sử dụng không đúng tiêu chuẩn hay do sử dụng đúng tiêu chuẩn mà chưa đúng mục đích. Từ đó có thể quyết định nên sửa tiêu chuẩn sử dụng xe công trước hay nên điều chỉnh mục đích sử dụng xe công trước” - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh ý kiến.

Và để thực hiện hình thức công khai thông tin trên chính tài sản công được khả thi, vị đại biểu này đề nghị, chỉ thực hiện hình thức này đối với các tài sản công mới phát sinh, tài sản công được giao cho đối tượng sử dụng mới và tài sản công khi được sửa chữa lớn.

Về phân loại tài sản công quy định tại Điều 4, Khoản 5, Điều 4 tại dự thảo Luật quy định tài sản bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản… và các tài nguyên khác - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh yêu cầu cần cụ thể một loại tài nguyên có thể khai thác được ngay như là kho biển số xe và số điện thoại.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính đã cho rằng biển số xe có coi là tài sản công nếu biết khai thác, quản lý tốt đem đấu giá góp phần tăng thu ngân sách là tốt nhưng để cụ thể hóa vào luật thì sẽ phải bàn tính thêm.

Cho rằng, trong khi ngân sách đang rất khó khăn cần tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến đề nghị huy động vốn trong dân nhưng chưa có nhiều đề xuất khả thi. “Nên thực hiện đấu giá và cấp số theo nhu cầu biển số xe, số điện thoại, vì đây là nhu cầu có thật sự của đa số người dân, số tiền thu được cũng sẽ không nhỏ và nhà nước cũng không phải trả lãi hay vốn” - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị.

Vị đại biểu này ước tính thu ngân sách trong vài chục năm tới từ giá trị tiềm năng của kho biển số xe, số điện thoại sẽ lên tới cả triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu được triển khai trong giai đoạn 2018-2020 sau khi luật có hiệu lực thì có thể thu đến 100 nghìn tỷ đồng tùy thuộc vào việc mở kho số của các bộ, ngành hiệu quả thực hiện của các địa phương và sở thích của người dân theo từng thời kỳ.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, Khoản 5, Điều 4 bổ sung một nội dung được viết là kho số được cơ quan nhà nước dùng để quản lý phương tiện, thiết bị phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân để khẳng định biển số xe, số điện thoại và các số tương tự phát sinh sau này sẽ là tài sản công.

Đồng thời, để tăng tính hiệu quả, khả thi nếu nội dung này được Quốc hội thông qua, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh góp ý Chính phủ cần quy định người có số đẹp thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng số đó cho phương tiện thiết bị mới, không bắt buộc phải đấu giá lại đối với các số đã được đăng ký hợp pháp trước ngày luật này có hiệu lực.

Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ hướng dẫn số tiền thu được từ biển số xe sẽ để lại cho địa phương cấp biển số sử dụng, quy định này không trái với Luật Ngân sách nhà nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31232102-cong-khai-tai-san-cong-tren-chinh-tai-san-do.html