Công khai, minh bạch trong đấu giá: Thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng

Sáng 24/10, tiếp tục kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV, QH đã thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản. Đây là dự luật đã được đưa ra trình QH tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII. Vào thời điểm đó, QH cũng đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật Đấu giá tài sản.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Không áp quy định chung của đấu giá tài sản với đấu giá chứng khoán

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc Dự thảo Luật Đấu giá tài sản quy định việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán là phù hợp.

Việc đấu giá chứng khoán hiện nay được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật.

Việc đấu giá chứng khoán được tiến hành theo cách thức khác biệt hoàn toàn so với niêm yết tài sản thông thường như việc niêm yết chứng khoán phải có bản cáo bạch, công bố thông tin; trình tự, thủ tục đấu giá nghiêm ngặt, phải có tổ chức bảo lãnh phát hành; số lượng người tham gia có thể lên đến hàng nghìn người, hàng triệu chứng khoán có thể được giao dịch cùng một lúc.

Mặt khác, việc đấu giá chứng khoán hoàn toàn được thực hiện trên sàn giao dịch điện tử hiện đại, thực hiện phiên khớp lệnh liên tục, đòi hỏi yêu cầu cơ sở hạ tầng và chuyên môn kỹ thuật cao mà điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị của các tổ chức đấu giá tài sản thông thường không thể đáp ứng được.

Kinh nghiệm các nước trên thế giới đều quy định việc đấu giá chứng khoán được thực hiện theo pháp luật về chứng khoán, không áp dụng quy định về đấu giá tài sản nói chung...

Đấu giá nợ xấu hiện theo quy trình nào?

Đây là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong các phát biểu cũng như giải trình thêm. Theo Ủy ban TVQH thì việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng trước đây được các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng và trong giai đoạn trước tháng 5/2013, tình hình nợ xấu ở nước ta là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tiền tệ quốc gia.

Trước tình hình ấy, ngày 18/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC), quy định một số cơ chế đặc thù trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.

VAMC được thực hiện nhiều phương thức để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó bán đấu giá tài sản chỉ là một trong các phương thức đó.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, VAMC có thể thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay, thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân...

Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá thông qua tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp hoặc VAMC tự bán đấu giá phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.

“Đối với các công ty quản lý tài sản do các tổ chức tín dụng thành lập, quyền và nghĩa vụ thực hiện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng, theo đó việc mua bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm của các khoản nợ thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Dự thảo Luật.

Đối với Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004 với mục tiêu góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước.

Cũng như các AMC, trường hợp DATC thực hiện bán đấu giá các khoản nợ và tài sản qua hình thức đấu giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cho biết.

Vừa quản vừa bán, khó bình đẳng

Theo như Dự thảo luật quy định, trong trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá theo quy định của pháp luật thì tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá tài sản hoặc tự đấu giá tài sản theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này.

Dự thảo luật cũng cho phép việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có thể được thực hiện theo thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, ĐBQH cho rằng vừa quản vừa bán nợ xấu thì không bình đẳng. Không những thế nếu lại được thực hiện theo thủ tục rút gọn thì rất “lo ngại sẽ tạo ra tiêu cực”- ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói.

Khác với quan điểm của ĐB này, một số ĐBQH lại cho rằng quy định như Dự luật là phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long được mời giải trình về Dự án luật. Bộ trưởng nói, theo Nghị định 53 thì VAMC có thể được làm khá nhiều việc, mua nợ xấu về thì bán nó đi, trong đó có hình thức bán đấu giá. VAMC có thể ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán hoặc tự bán.

Tinh thần là như vậy. “ Chúng tôi thấy rằng về nguyên tắc có thể chấp nhận phương án 1, nhưng cần làm rõ với nhau là VAMC chỉ được bán nợ xấu và tài sản đảm bảo cho nợ xấu, VAMC không phải một tổ chức bán đấu giá. Nếu tự bán trình tự thủ tục phải theo quy định của luật này”- Bộ trưởng nói.

Ông Long cũng cho biết thêm là hiện VAMC chưa tự bán nợ xấu mà chủ yếu ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán.

H.Mai - H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/cong-khai-minh-bach-trong-dau-gia-thuc-day-nen-kinh-te-tang-truong/129990