Công khai, minh bạch để nhân dân giám sát

Tại buổi giao ban công tác quý I-2016 giữa Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội với giám đốc các sở, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã diễn ra ngày 1-4, một số thông tin dư luận quan tâm gần đây như vướng mắc trong thi tuyển viên chức ngành giáo dục; giảm chỉ số xếp hạng về du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường; rà soát, công bố hộ nghèo; phục vụ tưới tiêu ngành nông nghiệp… đã được làm rõ.

Kỳ thi tuyển công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn năm 2015 diễn ra công khai, minh bạch. Ảnh: Hiền Chi

Chủ trì cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã kết luận từng nội dung và yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan có giải pháp khắc phục cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng việc tăng tính công khai, minh bạch.

Phải đổi mới thi tuyển viên chức

Trước thông tin còn nhiều vướng mắc trong thi tuyển viên chức ngành giáo dục năm 2015, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Nội vụ làm rõ, nêu các giải pháp xử lý, khắc phục cụ thể. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, việc tuyển dụng giáo viên năm 2015 đã được phân cấp cho 25 quận, huyện tổ chức từ tháng 4-2015. Đến nay, hơn 4.400 giáo viên trúng tuyển đều đã nhận quyết định tuyển dụng làm việc từ ngày 1-1-2016. Ngay khi kết thúc kỳ thi, đã có 60 đơn khiếu nại của các thí sinh, nhưng không có nội dung tố cáo tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tổ chức tuyển dụng, mà chỉ thắc mắc việc tính điểm ưu tiên.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2016, TP Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 26 trường học ở 13 huyện, thị xã với mức vốn 517 tỷ đồng. Số vốn này sẽ giao trọn gói một lần, Chủ tịch UBND 12 huyện và thị xã Sơn Tây chịu trách nhiệm trong chỉ đạo chọn vật liệu đồng bộ, xây dựng theo quy chuẩn chung toàn thành phố, trên cơ sở cao hơn mức của Bộ GD-ĐT.

Sở Nội vụ đã phối hợp với UBND các địa phương giải quyết cơ bản đơn thư, chỉ có 3 đơn khiếu nại lần 2 đang được giải quyết. Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, kỳ thi này được nhân dân đánh giá cao với việc đổi mới, nâng cao chất lượng thi tuyển, phòng chống tiêu cực. Ví dụ như, để tránh lộ đề, Sở Nội vụ đã mời Thanh tra thành phố thành lập cơ quan giám sát từ đầu tại 25 khu vực thi; thành lập hội đồng ra đề; tổ chức hai đề thi để bốc thăm. Qua giám sát đã sàng lọc, loại bỏ 53 trường hợp giả mạo giấy tờ hồ sơ... Về việc một số huyện băn khoăn, kiến nghị với Sở Nội vụ có nhiều trường hợp đã tuyển dạy hợp đồng, nhưng thi tuyển 2 lần vẫn trượt, nên khoanh đối tượng đã công tác 5 năm để ưu tiên, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, việc thi tuyển công khai, trượt thì phải nghỉ.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, tránh để người dân thắc mắc trong những lần thi tuyển sau, Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT cần xây dựng tiêu chí tuyển chọn từ sức khỏe đến trình độ, sau đó công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp đó, thành lập Hội đồng thi tuyển, sàng lọc qua tổ chức khám sức khỏe độc lập, đủ điều kiện sức khỏe mới đến kiểm tra các văn bằng, sau đó mới tuyển chính thức. "Không chỉ áp dụng phương án này cho việc thi tuyển giáo viên, mà thành phố sẽ áp dụng cho việc tuyển dụng các bộ phận khác như vậy ngay từ năm 2017" - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Sẽ công bố danh sách hộ nghèo toàn thành phố

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở đã rà soát, tham mưu mức chuẩn hộ nghèo trên địa bàn thành phố theo tiêu chí đa chiều. Mới đây, Thường trực Thành ủy cũng đã thông qua tiêu chí mức nghèo trên địa bàn thành phố là thu nhập dưới 1,1 triệu đồng/tháng khu vực nông thôn, 1,4 triệu đồng/tháng đối với khu vực thành thị. Ngay khi có mức chuẩn hộ nghèo, Sở đã họp với các cơ quan chuyên môn và các quận, huyện, thị xã yêu cầu rà soát, chốt danh sách hộ nghèo trên địa bàn và thành phố sẽ có quyết định, công bố chính thức hộ nghèo trong tháng 4-2016.

Cùng với đó, Sở sẽ tham mưu với thành phố về kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Vấn đề này, các quận, huyện, thị xã đã rà soát lại, có số liệu thống kê cụ thể liên quan đến đối tượng lao động chính của từng hộ nghèo để có kế hoạch giúp đỡ bằng việc đào tạo nghề. Trước mắt, 3.000 lao động phổ thông thuộc các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ học nghề nếu có nhu cầu. Trong tháng 4-2016, Sở LĐ-TB&XH sẽ triển khai hỗ trợ đường truyền internet cho 13.000 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và sang quý III-2016, các hộ nghèo sẽ có đầu thu truyền hình số.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương đánh giá các hộ nghèo thật chuẩn xác để công bố danh sách trên phương tiện thông tin đại chúng. Tránh tình trạng "luân chuyển hộ nghèo" như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng phản ánh sau khi thăm hỏi các hộ nghèo tại địa phương.

Công khai để nhân dân giám sát

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, quý I-2016, sản xuất nông nghiệp giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích cây vụ đông, trong đó có đậu tương giảm, lúa xuân phát triển chậm do rét; bên cạnh đó giá nông sản thấp, nông dân không mặn mà với đồng ruộng. Trong quý II-2016, Sở NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo xã viên chăm sóc lúa xuân và rau màu; làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng, lụt bão; chuẩn bị các điều kiện, xây dựng phương án hộ đê, đối phó với lũ tiểu mãn. Giám đốc Chu Phú Mỹ đề nghị, UBND thành phố giao cho Sở NN&PTNT, Sở TN-MT ban hành hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa.

Trước thực trạng sản xuất nông nghiệp giảm sút, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung lưu ý, phải xem xét hiệu quả đầu tư cho hệ thống tưới tiêu. Theo Chủ tịch UBND thành phố, kinh phí chi cho tưới tiêu năm 2010 tăng gấp 8 lần so với năm 2008. Số tiền chi cho chống ngập úng năm 2015 nhiều hơn 2008 là 1,7 lần, trong khi năm 2015 không có ngập lụt nhiều và còn lấy thêm 2% đất nông nghiệp dành cho đô thị. Kinh phí dành cho tưới tiêu năm 2015 tăng 7,5 lần so với 2010. Đây là vấn đề cần phải xem xét lại và sẽ công bố công khai, minh bạch để nhân dân giám sát. Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, tới đây sự chỉ đạo điều hành vĩ mô của thành phố được công khai trên cổng thông tin điện tử, chỉ khi minh bạch, công khai thì chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của thành phố mới tăng. Vì thế, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần quán triệt tinh thần này, thực hiện chi tiêu công thật minh bạch, công khai.

Quý I-2016, tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội (GRDP) ước tăng 6,95%; tổng thu ngân sách ước đạt 26,5% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng đất đạt khá, trong đó thu nội địa đạt 27,2% dự toán pháp lệnh, tăng 18,5% so với cùng kỳ (đạt 25% so với dự toán phấn đấu do Bộ Tài chính giao).

Vũ Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/829931/cong-khai-minh-bach-de-nhan-dan-giam-sat