Công khai chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu yếu kém

Tại hội nghị quản lý tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình giao thông, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các đơn vị chức năng hằng năm công khai danh sách các nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực.

Việc lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Khi "danh sách đen" các nhà thầu bị công khai trước dư luận, sẽ gạt bỏ được những nhà thầu năng lực kém, "làm yếu nhưng chạy khỏe", mới hy vọng tạo bước đột phá về tiến độ, chất lượng công trình giao thông.

Đây là đòi hỏi tất yếu, được đặt ra từ lâu, tuy nhiên cho đến nay chưa được các cơ quan chức năng thực hiện triệt để, ngược lại còn để tình trạng "lập lờ đánh lận con đen". Việc chưa công khai danh sách các nhà thầu yếu kém trong thời gian qua là một bất cập lớn. Chính vì thế, có nhà thầu yếu kém về cả năng lực thi công lẫn tài chính vẫn "đàng hoàng" trúng thầu các dự án giao thông lớn, trọng điểm. Thậm chí, nhiều nhà thầu bị "đuổi" khỏi dự án này, nhưng vẫn đủ tư cách nộp hồ sơ và trúng thầu một dự án khác của chính chủ đầu tư dự án trước đó. Chính vì thế, dư luận đặt nghi vấn về mối quan hệ thiếu minh bạch giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án với các nhà thầu. Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu làm chặt chẽ và bài bản công tác đấu thầu, nhiều nhà thầu trong nước sẽ bị loại ngay từ vòng đấu. Bởi năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp ngành giao thông hiện đang quá yếu kém, ngân hàng ngừng cấp vốn, không có khả năng thi công. Để có việc làm, nhiều nhà thầu cố tình chây ỳ, tìm cách khai khống số lượng, rút ruột công trình, sau đó tìm cách móc nối tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan để nghiệm thu. Muốn nâng cao chất lượng dự án, trước hết cần chọn các nhà thầu có đủ năng lực. Công khai "danh sách đen" các nhà thầu yếu kém, thông tin rộng rãi trong toàn ngành, không những tạo áp lực buộc các nhà thầu cần làm tốt trách nhiệm của mình, mà còn giúp các chủ đầu tư, cơ quan chức năng tổ chức đấu thầu có căn cứ, cơ sở để chấm điểm thưởng phạt, trao thầu, chứ không chỉ dựa trên bài thầu được "vẽ" từ các nhà thầu.

Không chỉ nhà thầu, nhiều chuyên gia cho rằng, kể cả chủ đầu tư, đội ngũ tư vấn giám sát cũng cần lập danh sách, công khai hằng năm trước dư luận. Chủ đầu tư và tư vấn có đủ năng lực mới được xét tham gia dự án, mới bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Thực tế thời gian qua, việc chậm tiến độ công trình là "mong muốn" của một bộ phận không nhỏ chủ đầu tư và nhà thầu. Nhiều chủ đầu tư tìm cách móc ngoặc với tư vấn, nhà thầu và địa phương, cố tình để công trình triển khai chậm, sau đó nâng giá vật liệu hoặc xin điều chỉnh tổng mức đầu tư. Thực trạng chất lượng của đội ngũ tư vấn giám sát trong nước được đánh giá là rất yếu, "quân thuê tướng mượn", khi xảy ra sự cố thì rũ bỏ trách nhiệm.

Năm 2012, Bộ GTVT vẫn xác định là năm "Chất lượng công trình", bởi chất lượng và tiến độ công trình giao thông là vấn đề nhức nhối, đáng báo động nhất của ngành. Năng lực yếu kém của chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, phối hợp thiếu ăn ý, cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, lạc hậu,... là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới công trình chậm tiến độ, chất lượng kém. Nếu không có biện pháp cứng rắn chấn chỉnh, sẽ khiến dư luận và người dân thêm bức xúc khi chứng kiến những công trình vừa xây xong đã hỏng. Ngay trong tháng 4 này, Bộ GTVT sẽ xây dựng và hoàn thành đề án bảo đảm chất lượng công trình, hằng năm tiến hành rà soát và công bố danh mục các nhà thầu, tư vấn đủ năng lực, để loại bỏ triệt để các đơn vị yếu kém.

QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/cung-suy-ngam/cong-khai-ch-u-t-t-v-n-va-nha-th-u-y-u-kem-1.343987