Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng: NLĐ tham gia giám sát chất lượng bữa ăn ca

Những ngày qua, hàng trăm CNLĐ làm việc tại Cty TNHH Yazaki Việt Nam (đóng tại KCN Nomura, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) xôn xao vì thông tin các bữa ăn tại bếp ăn của Cty không đảm bảo chất lượng, thực phẩm ôi thiu. Đỉnh điểm là việc hàng trăm CN đã bỏ bữa, kiến nghị lên Công đoàn cải thiện chất lượng bữa ăn vào ngày 7.10 dẫn đến hiệu ứng tâm lý đám đông, khiến hoạt động sản xuất của Cty bị ảnh hưởng. Hội thảo “Giải pháp nâng cao công tác giám sát chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ tại các CĐCS trong KCN, KKT Hải Phòng” do CĐ Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức ngày 12.10 đã kịp thời giải quyết được những tồn tại, hạn chế trong vấn đề này.

Chứng minh nguồn gốc thực phẩm sạch cho NLĐ

Theo số liệu của Chi cục Vệ sinh ATTP Hải Phòng, tại Hải Phòng có khoảng 180 bếp ăn tập thể được phân cấp thành phố quản lý. Trong đó, phần lớn là các bếp ăn tập thể tại các khu, cụm công nghiệp với quy mô lên tới 5.000 - 8.000 suất ăn/ngày/bếp. Tổng số suất ăn do các bếp ăn tập thể trong khu, cụm công nghiệp phục vụ khoảng 50.000 suất/ngày, chủ yếu là ca trưa.

Như đã nói ở trên, việc hàng trăm CN Cty Yazaki Việt Nam bỏ bữa gây hiệu ứng đám đông không tốt. Trước đó, cũng chính tại Cty này (chi nhánh Quảng Ninh), NLĐ cũng kiến nghị thông tin thức ăn có dòi. “Mọi thông tin đăng tải trên mạng xã hội cũng như trang báo điện tử về việc nhà ăn dùng thịt thối, cá thối chế biến cho NLĐ sử dụng chỉ là tin đồn” - ông Đào Xuân Thu - Chủ tịch CĐ Cty Yazaki Việt Nam khẳng định tại buổi hội thảo.

Theo ông Thu, phía Cty và tổ chức CĐ đã phải rất khó khăn vất vả để trấn an NLĐ, đồng thời chứng minh nguồn gốc thực phẩm sạch cho toàn bộ CNLĐ được biết. CĐ đã lập một đoàn giám sát đặc biệt, bao gồm cả NLĐ để thực hiện giám sát quy trình chế biến. “Hằng ngày, khi nguyên liệu được đưa vào bếp ăn để chế biến sẽ đi qua cửa quản lý, người vận chuyển có trách nhiệm dừng lại để đoàn giám sát kiểm tra các giấy tờ. Toàn bộ quá trình chế biến từ đầu vào đến thành phẩm sẽ được camera an ninh thu lại và được chiếu tại các nhà ăn của Cty để NLĐ nắm được nguồn gốc thực phẩm sạch đang sử dụng” - ông Thu chia sẻ về cách xử lý khủng hoảng trong thời gian gần đây.

Cũng theo ông Thu, mặc dù chỉ là đối sách xử lý đột xuất, xong CN cũng an tâm ăn ca và trở lại làm việc bình thường. Việc kiểm tra chứng thực nguồn gốc thực phẩm cho NLĐ biết sẽ duy trì lâu dài để không xảy ra những thông tin đồn thổi, không chính thống như vừa qua.

Công đoàn tăng cường công tác giám sát

Tại buổi hội thảo, đại diện các CĐCS trong KCN, KKT Hải Phòng đã trình bày những hạn chế, khó khăn của các đơn vị trong công tác giám sát cũng như thực trạng các bếp ăn hiện nay. Các đơn vị đều thừa nhận, khả năng xảy ra việc NLĐ bỏ bữa, ngừng việc tập thể do chất lượng bữa ăn ca kém như tại Cty TNHH Yazaki vừa qua đều có thể xảy ra. Theo đó, việc giám sát chất lượng bữa ăn ca phải đảm bảo các hình thức như: Giám sát thực phẩm đầu vào, giám sát chế biến, giám sát việc chia đồ ăn, vệ sinh môi trường,…

Bà Phạm Thị Hằng - Chủ tịch CĐ Khu kinh tế Hải Phòng - cho rằng, để nâng cao công tác giám sát chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ thì các CĐCS phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ, thành lập các đoàn kiểm tra bao gồm cả NLĐ giám sát chất lượng bữa ăn.. “CĐ KKT sẽ phối hợp với CĐCS thương lượng, đồng thời sẽ chú trọng đưa nội dung đảm bảo chất lượng bữa ăn ca vào trong các bản TƯLĐTT được sửa đổi, ký mới trong thời gian tới” - bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, qua buổi hội thảo, CĐCS đã phát huy được công tác giám sát vừa độc lập, vừa phối hợp với các ban ngành chức năng. “Khó khăn chung nhất đối với tổ chức CĐ trong công tác giám sát là việc kiểm tra đầu vào nguồn thực phẩm vì nguồn nguyên liệu sạch hay bẩn phải có cả sự quản lý của nhà nước” - bà Hằng chia sẻ.

Việt Chinh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/cong-doan-khu-kinh-te-hai-phong-nld-tham-gia-giam-sat-chat-luong-bua-an-ca-601374.bld