Công điện khẩn: Sơ tán dân, đảm bảo an toàn các hồ chứa

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình huy động mọi lực lượng, phương tiện sơ tán dân ở vùng ven sông, vùng bị ngập sâu, kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa nước trước tình hình mưa lũ được dự báo còn diễn biến phức tạp.

Công điện khẩn 1863/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hôm nay (16/10) nêu rõ, từ ngày 14/10 đến nay, tại các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to gây lũ lớn trên các sông ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nước lũ đang lên ở Hà Tĩnh - Ảnh: TTO Lúc 16 giờ ngày 16/10, lũ trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ đã xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 2007, dự báo mưa lũ còn diễn biến phức tạp, đêm nay lũ các sông ở Hà Tĩnh và Quảng Bình còn tiếp tục lên, tại Chu Lễ có thể vượt mức lũ lịch sử khoảng 1,2 m. Để chủ động phòng, chống lũ hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình tập trung chỉ đạo huy động mọi lực lượng, phương tiện sơ tán dân ở ven sông, những vùng bị ngập sâu, hoặc có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn; hỗ trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân tại các khu vực sơ tán, vùng bị ngập sâu, chia cắt, không để người dân nào bị thiệt mạng do đói, rét; kiểm tra, có phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa nước. Các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế theo dõi sát diễn biến mưa lũ, chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng, lương thực, thực phẩm chủ động đối phó với mưa, lũ lớn có thể xảy ra. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng của địa phương thực hiện việc sơ tán, cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng ngập lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương chỉ đạo việc kiểm tra, vận hành hồ Kẻ Gỗ và các hồ chứa thủy lợi, công trình đê điều đảm bảo an toàn; sẵn sàng xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra. Bộ Công Thương phối hợp với địa phương chỉ đạo việc kiểm tra, vận hành hệ thống điện và các hồ thủy điện trong khu vực mưa lũ, đảm bảo an toàn, xử lý kịp thời các sự cố; đảm bảo đủ nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ, sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu. Các Bộ Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương làm tốt những việc sau: duy trì thông tin liên lạc, có phương án đảm bảo an toàn giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, đảm bảo đủ cơ số thuốc sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu. Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương theo dõi sát diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các địa phương đối phó kịp thời, có hiệu quả, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của lũ, bão, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng và các Bộ, ngành liên quan để chỉ đạo và đưa tin kịp thời cho các địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh. Theo Chinhphu.vn

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/xahoi/2010/10/25417.html