Công dân tố cáo hàng loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật

Sử dụng hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 16.000m2 đất nông nghiệp khi chưa có ý kiến đồng ý từ Bộ Công thương; không có phê duyệt dự án đầu tư; không có báo cáo nghiên cứu khả thi; nhận chuyển nhượng đất với giá tùy tiện là những nội dung công dân tố cáo đối với lãnh đạo Đại học (ĐH) Công nghiệp Thực phẩm TP HCM.

Dân tố mua đất khi Bộ Công thương chưa đồng ý

Liên quan tới giao dịch trăm tỷ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM (viết tắt là Nhà trường), công dân đã tố cáo hàng loạt các dấu hiệu vi phạm liên quan tới ông Đặng Vũ Ngoạn (nguyên Hiệu trưởng Nhà trường), ông Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu Phó phụ trách Nhà trường.

Công dân cho biết, “thương vụ chuyển nhượng QSDĐ hơn trăm tỷ giữa Nhà trường và bà Nguyễn Thị Nguy với mục đích để mở rộng trường có một số vi phạm. Cụ thể: Nhà trường đã thực hiện giao dịch nhận chuyển nhượng khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Nhà trường nhận chuyển nhượng đất khi chưa lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án mở rộng trường, không có phê duyệt dự án đầu tư, việc làm này là vi phạm các quy định pháp luật hiện hành”.

Công dân lập luận, “do chưa có dự đầu tư nên chưa trả lời được các câu hỏi như: Sự cần thiết và chủ trương đầu tư, mục tiêu đầu tư xây dựng, địa điểm xây dựng và diện tích sử dụng đất, quy mô công suất và hình thức đầu tư xây dựng; đánh giá tác động của dự án liên quan đến việc thu hồi đất, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; tổng mức đầu tư và huy động vốn, phân tích tài chính, rủi ro, chi phí khai thác sử dụng công trình, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án…”.

Hợp đồng chuyển nhượng được ký trước cả ngày UBND TP có văn bản chấp thuận chủ trương. Ảnh: CT

Thêm nữa, công dân cũng tố cáo ông Đặng Vũ Ngoạn, ông Nguyễn Xuân Hoàn đã xuất tiền công quỹ khi chưa được Bộ Công thương phê duyệt dự án đầu tư và phê duyệt chủ trương mua hơn 16.000m2 đất.

Để giải thích cho vấn đề này, công dân cho biết: “Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường giai đoạn 2015-2017 theo Quyết định số 901/QĐ-TTg ngày 23/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Trường được chủ động cân đối nguồn thu và huy động các nguồn thu hợp pháp khác; quyết định các dự án đầu tư, mua sắm, sửa chữa để phát triển tổng thể cơ sở vật chất của Trường.

Trên thực tế, Nhà trường chưa thành lập Hội đồng Trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường theo quy định tại Điều 16 Luật Giáo dục Đại học và Điều 9 Điều lệ Trường ĐH (Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ). Do đó, hiện nay thẩm quyền quyết định các dự án đầu tư xây dựng vẫn thuộc Bộ trưởng Bộ Công Thương. Cho đến nay, Bộ Công Thương chưa phê duyệt việc đầu tư mở rộng Trường trên khu đất hơn 16.000m2 đất nêu trên”.

“Tuy nhiên, bất chấp việc Bộ Công thương chưa có văn bản đồng ý đối với giao dịch này và cũng chưa có văn bản chấp thuận đầu tư dự án, nhưng ông Đặng Vũ Ngoạn đã tự ý quyết việc ký hợp đồng (lần 1) với bà Ngụy, ông Nguyễn Xuân Hoàn đã tự ý ký hợp đồng (lần 2) và thực hiện giao dịch với bà Ngụy mà trước đó không báo cáo với Vụ Phát triển nguồn nhân lực phía Nam và Bộ Công Thương”, công dân bức xúc cho biết.

Tuy tiện xác định giá đất

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, công dân cũng tố cáo lãnh đạo Nhà trường đã xác định giá nhận chuyển nhượng đất một cách tùy tiện, sai quy định, mua đât nông nghiệp với giá đất ở.

Công dân cho biết, "23/6/2016, ông Đặng Vũ Ngoạn với vai trò Hiệu trưởng đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng đất từ bà Nguy giá 134,9 tỷ đồng. Khoảng 1 tháng sau đó, ông Nguyễn Xuân Hoàn trên cương vị mới Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, đã đứng ra đàm phán với chủ đất và ký Hợp đồng sửa đổi, bổ sung vào ngày 25/7/2016, giảm giá mua đất từ hơn 134,9 tỷ đồng xuống còn hơn 116,9 tỷ đồng, tức giảm 18 tỷ đồng.

Nếu không ngăn chặn kịp thời thì ông Ngoạn có thể tham nhũng 18 tỷ đồng. Như vậy, lãnh đạo trường Nhà trường đã không tuân thủ các quy định của Nhà nước về định giá tài sản. Tôi thắc mắc tại sao tiêu tiền của Nhà nước, của tập thể lại tùy tiện, dễ dàng đến thế; việc quyết toán tiền mua đất sẽ ra sao, có phải lợi dụng chủ trương tự chủ để cấu kết lấy tiền của tập thể cho vào túi 1 số cá nhân hay không?”.

Thực hiện xong giao dịch mới báo cáo Vụ phát triển nguồn nhân lực theo kiểu "tiền trảm hậu tấu". Ảnh: CT

Ngoài ra, công dân cũng chỉ ra việc giao dịch nhận chuyển nhượng đất với bà Nguy, Nhà trường đã bị thiệt hại 925m2 đất.

Cụ thể: Hợp đồng số 000427/HĐ-CNQSDĐ mua đất diện tích 16.182 m2 nhưng diện tích thực sự khu đất là 15.257 m2 theo đo vẽ của Công ty TNHH khảo sát thiết kế ADEC lập ngày 15/1/2011, được Phòng Tài nguyên và Môi trường Tân Phú kiểm tra ngày 24/1/2011.

“Như vậy, Nhà trường đã bị thiệt hại 925m2 đất, thủ tục nào, thẩm quyền nào để lãnh đạo Nhà trường ký Công văn số 451/2016/ĐHCNTP ngày 2/8/2016 chấp nhận không khiếu nại về diện tích đất giảm như trên? Diện tích đất giảm như vậy có nghĩa là Nhà trường đã thiệt hại hàng tỷ đồng”, công dân bức xúc cho biết.

Đề làm rõ những vấn đề trên, liên tục trong các ngày 11 và 18/7/2017, PV Báo Thanh tra đã đến trụ sở Nhà trường để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi không thể liên hệ làm việc được với ông Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường.

Thông tin từ một Phó Phòng Tổ chức của Nhà trường cho biết, đã nhận được yêu cầu cung cấp hồ sơ và các câu hỏi của PV Báo Thanh tra. Tuy nhiên, hiện tại Nhà trường chưa thể bố trí buổi làm việc và đề nghị PV đợi đến khi có kết luận chính thức từ Thanh tra Bộ Công thương thì sẽ cung cấp thông tin.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông vụ việc.

Chu Tuấn

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/cong-dan-to-cao-hang-loat-dau-hieu-vi-pham-phap-luat_t114c39n123384