Công cụ thẩm định chất lượng đào tạo

Không chỉ thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) còn yêu cầu thông tin rõ: khu vực làm việc của sinh viên tốt nghiệp; đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp…

Đây được xem là một trong những cơ sở để Bộ làm căn cứ duyệt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học - cao đẳng (ĐH - CĐ) năm 2017.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, chủ trương triển khai việc thu thập thông tin, xây dựng và công bố báo cáo về việc làm của sinh viên chính quy, tốt nghiệp bằng thứ nhất (tính từ sinh viên tốt nghiệp năm 2015) trên trang thông tin điện tử của trường, đồng thời gửi báo cáo về Bộ GDĐT chính thức được triển khai tới các trường từ năm 2016. Báo cáo này được quy định là thực hiện trước ngày 1/1 hàng năm (bắt đầu từ ngày 1/1/2017). Do đó, không thể nói yêu cầu này là cập rập hay chưa tới thời điểm thích hợp được như lời “phàn nàn” của một số trường ĐH- CĐ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quan điểm của Bộ GDĐT, để tránh hiện tượng “đối phó” trong thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp của một số trường, cũng như để thông tin báo cáo được cập nhật đầy đủ, khách quan và toàn diện về ngành nghề đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, Bộ GDĐT đã đưa ra những yêu cầu đánh giá chi tiết cũng như coi đây là một trong những tiêu chí cốt lõi để xem xét duyệt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 cho từng trường. Còn về lâu dài, bản báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp sẽ đánh giá được khả năng tham gia thị trường lao động của sinh viên.

Trên cơ sở đó, các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Bên cạnh đó, một điểm mới trong việc quy định công khai thông tin tỷ lệ việc làm của sinh viên đã tốt nghiệp lần này của Bộ GDĐT là đã yêu cầu phải công bố chi tiết để xã hội kiểm soát, đồng thời có các đơn vị độc lập đủ tư cách pháp lý để kiểm tra.

Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho biết, hiện một số trường đã hình thành tổ chức cựu sinh viên để làm đầu mối cập nhật thông tin này nhưng do chưa tạo được “văn hóa” trả lời khảo sát nên họ gặp nhiều khó khăn khi cần thông tin tình hình việc làm, thu nhập, vị trí xã hội… của những người đã tốt nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng số liệu được công bố có thể không hoàn toàn chính xác, không phản ánh đúng thực tế. Về vấn đề này, Thứ Trường Bùi Văn Ga khẳng định: “Bộ GDĐT tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.

Nếu phát hiện trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì Bộ GDĐT sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với ngành/nhóm ngành liên quan, đồng thời trường và cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định”. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng đưa vào quy chế tuyển sinh đại học, từ năm 2018 trở đi, các trường phải công bố thêm tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành). Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Bộ GDĐT yêu cầu 3 công khai từ lâu nhưng lại chưa buộc phải công bố chi tiết nên các trường dễ biến báo, công bố xong không ai kiểm tra nên họ dễ làm không đúng. Nhưng đã đến lúc các trường cần phải xác định quy định trên là bước đệm thích hợp nhằm giúp các trường làm quen với “văn hóa chất lượng” để từ đó sẵn sàng cho việc kiểm định chất lượng đào tạo toàn bộ 271 trường đại học trên cả nước.

Bảo Anh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cong-cu-tham-dinh-chat-luong-dao-tao-48748.html