Công cụ tài chính - tín dụng đắc lực của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội

ND- Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) được thành lập theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, tiếp nhận và quản lý một số nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách tín dụng do Chính phủ chỉ đạo.

Ba năm qua, NHPT đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới cơ chế tài chính - tín dụng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ba năm đổi mới và phát triển NHPT chính thức hoạt động từ 1-7-2006 trên cơ sở tiếp nhận tổ chức và lực lượng vật chất từ Quỹ Hỗ trợ Phát triển (HTPT) với tổng giá trị tài sản thuộc nhóm hàng đầu trong các ngân hàng nước ta. Qua ba năm hoạt động, đội ngũ cán bộ, viên chức đã phát triển cả về chất và về lượng, trong đó 84,7% có trình độ đại học, trên đại học, có 985 đảng viên, chiếm 37,8%. So với thời điểm mới thành lập, biên chế chỉ tăng 5,9%, nhưng cán bộ, viên chức có trình độ đại học, trên đại học đã tăng 8%; cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp tăng 33%; số cán bộ có trình độ ngoại ngữ bậc đại học tăng 68%. Tổng tài sản của NHPT hiện nay đã tăng hơn 63% so với thời điểm nhận bàn giao từ Quỹ HTPT. Trong ba năm, đã huy động thêm tổng số vốn gần 120 nghìn tỷ đồng, bằng 7% vốn đầu tư toàn xã hội cùng kỳ, trong đó, vốn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt hơn 77 nghìn tỷ đồng (bình quân bằng 56,5% tổng nguồn huy động). Với thời hạn 2 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm, TPCP là nguồn vốn lớn để NHPT đầu tư cho các dự án dài hạn và có vai trò quan trọng, chiếm 29% tổng giá trị niêm yết trên thị trường chứng khoán, góp phần đa dạng hóa các công cụ nợ, gia tăng sự tích tụ tài chính, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, đặc biệt là vốn dài hạn. Ngoài nguồn vốn TPCP, NHPT còn huy động các nguồn vốn khác như vốn từ: Bảo hiểm Xã hội, Tiết kiệm Bưu điện, Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài...Trên cơ sở bảo toàn và không ngừng phát triển vốn, đến nay, nguồn vốn chủ sở hữu của NHPT tăng 36,5% so với khi nhận bàn giao từ Quỹ HTPT. NHPT đang quản lý cho vay gần bốn nghìn dự án với số vốn theo hợp đồng tín dụng (HĐTD) đạt gần 150 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý là tín dụng đầu tư tập trung vào các chương trình, lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế, như: 81 dự án nguồn điện, 83 dự án lưới điện, 30 dự án sản xuất xi-măng, 46 dự án xây dựng cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển, 36 dự án mua tàu biển mới, 18 dự án phát triển ngành hóa chất... Mức đầu tư cho các dự án đó thường từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó là 1.383 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm vào một số lĩnh vực chủ yếu như trồng rừng nguyên liệu và cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến nông, lâm, thủy hải sản, chế biến thức ăn gia súc... Riêng chương trình kiên cố hóa kênh mương, tôn nền vượt lũ có số vốn vay theo HĐTD đã ký gần 10,6 nghìn tỷ đồng, đã giải ngân hơn chín nghìn tỷ đồng... Các dự án an sinh xã hội (trường học, bệnh viện, xử lý rác thải, cấp nước sạch...). Hơn 170 dự án với số vốn vay theo HĐTD gần 8.150 tỷ đồng, đã giải ngân gần 5.340 tỷ đồng (trong đó có chương trình đầu tư cho 18 bệnh viện công lập của Bộ Y tế). TDĐT do NHPT thực hiện đã tập trung phù hợp với chủ trương, đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó nổi bật là các dự án công trình Thủy điện Sơn La, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các nhà máy xi-măng, luyện thép, cơ khí trọng điểm, vệ tinh Vinasat, phân bón DAP Hải Phòng, A-pa-tít Lào Cai, đóng tàu biển... Kết quả tích cực là đã góp phần tạo mới hàng trăm nghìn việc làm; cải thiện đời sống, sức khỏe và môi trường sống của người dân, đóng góp tích cực cho việc phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, NHPT còn tích cực huy động vốn và cho vay tín dụng xuất khẩu theo nguyên tắc không vi phạm các quy định của WTO, đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, nắm bắt thời cơ mở rộng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, giữ vững thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới. Đồng thời thông qua các hình thức hỗ trợ gián tiếp (như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất...), NHPT đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các chủ đầu tư tiếp cận được các nguồn vốn của ngân hàng thương mại, góp phần đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện chức năng quản lý các nguồn vốn ODA cho vay lại, các quỹ quay vòng, NHPT đang quản lý cho vay lại đối với 380 dự án với tổng số vốn cam kết theo Hiệp định vay tăng thêm hàng tỷ USD so với thời điểm mới thành lập dư nợ đến nay gần 56.000 tỷ đồng; các nguồn vốn nước ngoài đã được quản lý đúng quy định, bảo đảm an toàn, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ quốc tế; nhờ đó, NHPT đã được các Tổ chức tài chính quốc tế (WB, AFD, Chính phủ Phần Lan...) tiếp tục giao quản lý các Chương trình cấp nước từ khâu thẩm định, quyết định cho vay, kiểm soát chi, thu nợ.... Chính phủ Nhật Bản, thông qua tổ chức JICA đã thống nhất với Chính phủ Việt Nam giao cho NHPT trực tiếp triển khai Chương trình cho vay bảo toàn và tiết kiệm năng lượng, Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) đang tích cực làm việc với NHPT để triển khai Chương trình xử lý nước thải khu công nghiệp cũng như Chương trình bảo vệ môi trường và vùng khí hậu... Triển khai Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ, NHPT là đơn vị triển khai sớm nhất nhiệm vụ giúp đỡ ba huyện nghèo của tỉnh Lào Cai là: Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, đã thống nhất với tỉnh về chương trình phối hợp, đã vận động các doanh nghiệp trong cả nước, các cán bộ, viên chức NHPT cùng đóng góp, đến nay có 377 doanh nghiệp trong cả nước ủng hộ về tiền và hiện vật cho ba huyện nêu trên hơn 56 tỷ đồng, trong đó có 48,5 tỷ đồng tiền mặt. Để góp phần phát triển cơ sở kỹ thuật hạ tầng giao thông hiện đại theo quyết định của Chính phủ, NHPT đã thành lập Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để làm Chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đến nay, Dự án đã hoàn thành cơ bản các bước chuẩn bị đầu tư và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép khởi công vào ngày 19-5-2008. NHPT đã giải ngân cho Dự án 352 tỷ đồng và 4,3 triệu USD, dự kiến cuối năm 2009 giải ngân 3.000 tỷ đồng, đáp ứng tiến độ thi công dự án. Một số khó khăn và hạn chế Tuy đạt được một số thành tích bước đầu nêu trên, nhưng qua thực tế và tìm hiểu ý kiến các doanh nghiệp, doanh nhân, chúng tôi thấy quy mô tín dụng của NHPT vẫn còn có hạn, chưa đáp ứng yêu cầu về vốn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng số vốn vay được NHPT cam kết hỗ trợ đối với các dự án thuộc diện ưu tiên của Chính phủ mới chỉ đáp ứng 37% nhu cầu vốn trong tổng mức đầu tư tài sản cố định của các dự án; riêng đối với các dự án nhóm A mới chỉ đáp ứng bình quân 28% tổng mức đầu tư, vốn TDXK thường chỉ đáp ứng khoảng 50% - 65% nhu cầu vốn để doanh nghiệp thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Hoạt động của NHPT chưa thật sự chuyên nghiệp, năng lực quản trị ngân hàng chưa theo kịp yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, năng lực nghiên cứu, dự báo còn hạn chế, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ chưa cao... Năng lực tài chính của NHPT còn chưa đủ mạnh, tích lũy và dự phòng rủi ro thấp, do vậy hạn chế khả năng xử lý nợ xấu và dễ bị ảnh hưởng từ các diễn biến bất thường của thị trường... Nhìn nhận khách quan và nghiêm túc những mặt được và chưa được nêu trên, có thể nói: Với vai trò là công cụ của Chính phủ, NHPT đã có những đóng góp tích cực thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên, khai thác tiềm năng của các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy quy mô đầu tư còn có hạn, chưa tương xứng với nhu cầu khách quan, nhưng thành công bước đầu không chỉ dừng lại ở những con số (như phần trên đã dẫn), mà còn ở những đóng góp sâu sắc hơn trong việc phục vụ những chủ trương, chính sách và cả những quan điểm, những ý tưởng và tư duy kinh tế của lãnh đạo Đảng, Chính phủ trong tiến trình đổi mới thể chế kinh tế, cũng như thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 và xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020. Và còn có thể nói thêm rằng thực tiễn đã khẳng định tính đúng đắn và sáng tạo của Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Định hướng phát triển và hoàn thiện Hoạt động của NHPT năm 2010 và các năm tiếp theo phải có bước chuyển biến mạnh mẽ, khắc phục được những hạn chế nêu trên, phấn đấu trở thành công cụ đắc lực của Chính phủ để thực hiện chính sách TDĐT, TDXK của Nhà nước. Để góp phần đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững, NHPT cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, khai thác được các nguồn vốn trong nước và nước ngoài với quy mô lớn hơn để đáp ứng yêu cầu đầu tư theo đúng chủ trương của Chính phủ và nhiệm vụ kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Cần nâng cao năng lực dự báo, thẩm định dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư và doanh nghiệp để quyết định cho vay đúng, an toàn, hiệu quả. Chuyển từ cho vay đầu tư các dự án riêng biệt sang đầu tư theo các chương trình của Chính phủ, lấy hiệu quả chung của cả chương trình, hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo tiêu chuẩn để đầu tư... Đồng thời NHPT cũng phải tiến tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả TDĐT, TDXK; tự bù đắp chi phí hoạt động; tạo lập tích lũy và dự phòng rủi ro trên cơ sở cải thiện một bước cơ bản tình hình tài chính của mình. Trước mắt, năm 2010, tập trung hỗ trợ các chương trình dự án trọng điểm của Chính phủ; các dự án an sinh xã hội, dự án ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thông qua TDĐT và Bảo lãnh vay vốn NHTM; tăng cường năng lực tài chính và từng bước hiện đại hóa hoạt động; tài chính công khai minh bạch, phấn đấu tự trang trải 30% - 50% chi phí hoạt động để hướng tới tự chủ tài chính, giảm đáng kể cấp kinh phí từ NSNN; hướng tới thị trường và hội nhập quốc tế. Để nắm bắt thời cơ khi kinh tế thế giới hồi phục, năm 2010, NHPT cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 20 - 25%; trong đó dư nợ TDĐT tăng khoảng 20%; dư nợ TDXK tăng khoảng 23%... Tập trung huy động vốn tích cực triển khai dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bám sát tiến độ, giải quyết tốt công tác giải phóng mặt bằng còn lại, khẩn trương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các khu tái định cư, bảo đảm đời sống dân cư. Quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra. Giai đoạn 2011 - 2015 sẽ là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng vào thực tiễn, vừa là 5 năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển 2011 - 2020 đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong công cuộc phát triển chung lớn lao đó, NHPT phải thật sự trở thành công cụ đắc lực của Chính phủ trong hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với trình độ chuyên nghiệp cao và hiện đại, hội nhập sâu rộng hơn với thị trường quốc tế. Bởi vậy, cần thật sự tự chủ tài chính, tự trang trải toàn bộ chi phí quản lý, có tích lũy và dự phòng vững chắc. Trong năm 2009 và những năm sắp tới, khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và NHPT nói riêng còn nhiều và có thể còn diễn biến phức tạp. Tuy vậy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, sự phối hợp tốt của các NHTM và các doanh nghiệp, NHPT sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của mình trong hỗ trợ đầu tư phát triển và thúc đẩy xuất khẩu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao. NGUYỄN ANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=154335&sub=131&top=38