Công chức đánh người nơi công cộng: Ấm ức nên làm liều?

Môi trường làm việc khiến cho cán bộ công chức luôn đặt ra các phép so sánh, nếu chân thành thì toàn bị bắt nạt, nên bắt buộc phải ghê gớm.

Cách điều hành không chặt chẽ

Mới đây, tại trạm thu phí quốc lộ 6 huyện Lương Sơn (Hòa Bình), một cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện đã tát, lao người qua cửa sổ cabin đạp nhân viên của trạm thu phí, sau đó, gọi 4 người khác đến tiếp tục lăng mạ và lái xe vượt trạm kèm theo những lời đe dọa. Đấy là vụ việc mới nhất sau hàng loạt vụ công chức có những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực với đồng nghiệp.

Trước hiện tượng công chức xô xát, có hành động thiếu chừng mực với công chức đang ngày càng xảy ra nhiều, trao đổi với Đất Việt, ngày 1/11, TS Ngô Thành Can - Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia cho biết: "Chúng ta có thể gọi đây là các va chạm ngoài nghiệp vụ của một số cán bộ viên chức.

Từ xưa đến nay, những việc làm này cũng có nhiều chứ không phải mới, nhưng trước đây việc đánh nhau là hiếm có, còn hiện nay thì tần suất hơi nhiều.

Và kể cả dù đây không phải vấn đề lạ, nhưng vẫn cho chúng ta thấy những điều đáng phải suy nghĩ về mối quan hệ giữa các cán bộ nhân viên, công chức thực thi công vụ với nhau.

Chính những sự va chạm này cho chúng ta thấy những mầm mống, xung đột vốn đã được nuôi dưỡng, có một bộ phận không nhỏ những người, không thực hiện đúng quy trình, đúng tư cách, tác phong yêu cầu, đối với người cán bộ công chức, viên chức, trong thực thi công vụ.

Những cái sai này được dung túng, ngày càng lớn dần lên. Ví dụ bổ nhiệm các cán bộ làm lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, một Sở có đến 44 lãnh đạo, một phòng giáo dục có 7 lãnh đạo trong khi phòng có 12 cán bộ.

Công chức Việt liên tiếp hành xử thô lỗ với nhau. Ảnh minh họa

Công chức Việt liên tiếp hành xử thô lỗ với nhau. Ảnh minh họa

Những việc làm này, đã gây cho các cán bộ một sự ức chế, bực bội trong người, thực tế có những người ỷ lại, mình giỏi hơn người, có mối quan hệ với các sếp tốt hơn, xuất phát từ thành phần cao hơn, nên cứ chèn ép người khác.

Cũng có thể có người thường xuyên xử sự sai, mà không được kỷ luật, rèn rũa thường xuyên, rồi lấn dần vào các hành xử mang tính chợ đen, côn đồ hơn hành vi của những người thực thi công vụ".

Nói về nguyên nhân của các hành vi trên, theo ông Can có thể xuất phát từ nhiều vấn đề:

Thứ nhất, chúng ta có hệ thống các quy định chặt chẽ, nhưng mới chỉ dừng ở việc hô hào cán bộ hãy chân thành, ứng xử vì dân, chứ không có chế tài, làm sai rồi bao che cho nhau, xử lý nội bộ, chính vì thế làm cho các u nhọt phát triển lên.

Thứ hai, trong cách điều hành cũng không chặt chẽ, minh bạch, do đó, nhiều người thấy bên trên không làm đàng hoàng, công khai, sếp được hưởng lợi nhiều hơn nhân viên nên gây ức chế, căng thẳng.

Thứ ba, môi trường làm việc khiến cho cán bộ công chức luôn đặt ra các phép so sánh, nếu chân thành thì toàn bị bắt nạt, đúng như câu nói "thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt". Chính vì thế, nên ai cũng thích gây gổ, vươn vai, xù cánh lên để bảo vệ mình.

"Tôi có mấy người đồng nghiệp, cứ đến cơ quan hay nói thế này, thế khác, tôi cũng hay đặt câu hỏi: Tại sao anh hay nói căng thẳng thế?. Thì anh ấy bảo tôi không căng thẳng như vậy chắc gì có ai nhớ đến mình, chắc gì có ai cho mình cái này, cái khác. Nghĩa là phải xù lông lên như vậy thì mới được chú ý, được một cái gì đó", ông Can nói thêm.

Cũng không bất ngờ trước thực tế, hiện nay, rất nhiều nơi đã xây dựng nhưng bộ quy tắc văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp của cán bộ công chức. Thế nhưng, thực tế các hành vi ứng xử ngoài công sở lại trái ngược với các quy định, quy tắc này.

Theo ông Can, cái gì cũng có quy định nhưng đều chung chung như phải tận tụy, thân ái, đoàn kết...nhưng không có quy định cụ thể nếu ứng xử không tốt thì sẽ bị xử lý ra sao.

Do đó mà nhiều người ứng xử với nhau kém vì không giải quyết được, còn các cơ quan bảo xử lý nội bộ, đóng cửa trong nhà bảo nhau. Cùng với đó, cũng có vấn đề thi đua thành tích, có người sai cơ quan, tập thể, lãnh đạo bị đánh giá kém, nên cứ che lấp, bảo vệ lẫn nhau. Dần dần người ta thấy không giải quyết được gì nên hành xử theo lối xã hội đen.

Với một số người họ không còn tin vào công vụ bảo vệ họ, nên họ trỗi dậy theo kiểu riêng của mình, ngược với các quy định, cái dở của chúng ta là không xử lý mạnh, không xử lý kỷ luật, không tách ra; trừ những người tham ô, lãng phí, còn đa phần không xử lý.

"Thực tế, cái này có liên quan đến vấn đề giữa các quy định và thực tiễn, tôi nói một vấn đề rất đơn giản, trong các quy định đánh giá cán bộ công chức của chúng ta có nêu rõ thế nào là người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, người hoàn thành tốt, người hoàn thành, người không hoàn thành, nhưng khi đánh giá họ đều dồn hết lên là hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, chả mấy ai không hoàn thành.

Trong khi thực tế, có đến 1/3 cán bộ công chức không những không làm gì còn cản trở người khác làm, chỉ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Để thấy, con số đánh giá thực tế và đánh giá trong quy định khác nhau", vị chuyên gia trên nói.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-chuc-danh-nguoi-noi-cong-cong-am-uc-nen-lam-lieu-3322189/