Công chức cắp ô tiêu tốn 17.000 tỷ: Có dân gánh hết?

“Cơ chế chồng chéo như hiện nay thì sẽ không có ai chịu trách nhiệm về những khoản tiền thất thoát cả và cuối cùng người dân phải gánh hết”.

Quy trách nhiệm rất khó

Tại Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” do Bộ Nội vụ tổ chức hôm 12/10, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ ra một nghịch lý hiện nay đang tồn tại ở các cơ quan nhà nước. Đó là lương công chức tuy thấp nhưng vẫn cao hơn năng suất lao động.

Ông Lợi cho biết, theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức, viên chức không làm được việc, tương đương khoảng 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước mỗi năm.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho biết, ông không quá bất ngờ.

Theo PGS.TS Tri, tại nhiều cuộc hội thảo trước đó, cũng có nhiều diễn giả, nhiều nhà nghiên cứu nói về hiệu quả làm việc thấp kém của một số cán bộ công chức, viên chức nhà nước.

“Lãng phí 17.000 tỷ đồng mỗi năm là một số tiền vô cùng lớn. Trong bối cảnh nợ công ngày càng một cao thì điều này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế cũng như trực tiếp cuộc sống của người dân. Tôi cho rằng đây là hậu quả nhiều năm nay để lại. Chắc chắn nợ công sẽ tiếp tục tăng và đi xuống nếu chúng ta không giải quyết triệt để vấn đề cơ chế”, PGS.TS Tri nhấn mạnh.

Công chức cắp ô tiêu tốn 17.000 tỷ đồng hàng năm từ ngân sách nhà nước. Ảnh minh họa

Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý cho rằng, theo nguyên tắc thì ở cơ quan, đơn vị nào để xảy ra tình trạng cán bộ không làm được việc, “ngồi chơi xơi nước” hay “cắp ô” thì những người đứng đầu, người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên với cơ chế chồng chéo, quyết định theo tập thể, theo số đông thì hiện nay chúng ta không thể truy đến cùng trách nhiệm những người liên quan.

“Cơ chế chồng chéo như hiện nay thì sẽ không có ai chịu trách nhiệm về những khoản tiền thất thoát cả và cuối cùng lại hòa cả làng, người dân phải gánh hết. Thực tế cách đây 5-7 năm chúng ta đã nhắc đến vai trò của người đứng đầu rồi nhưng vẫn không giải quyết được vì vướng mắc cơ chế.

Muốn người đứng đầu có trách nhiệm, tự chịu trách nhiệm thì cần giao quy định rõ chức năng, thẩm quyền của họ được phép làm. Ngoài ra cần để họ chủ đồng hoàn toàn về tài chính. 3 vấn đề này phải được đồng bộ với nhau, phải thật rõ ràng thì người đứng đầu họ mới dám đứng ra nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên việc này hiện nay chúng ta chưa làm được. Tất cả đều quyết định dựa theo số đông, theo cấp ủy nên người đứng đầu cũng chỉ là người tham gia. Cho nên muốn quy trách nhiệm cho ai đó cũng rất khó”, ông Tri phân tích.

Tinh giản biên chế không dễ

Nhắc đến việc Bộ Tài chính tiến hành khoán xe công cũng như cắt giảm lái xe, ông Tri cho rằng đây là trường hợp hiếm hoi trong gần 20 năm qua.

Tuy nhiên theo vị Phó giáo sư để nhân rộng mô hình từ một Bộ ra các ngành, địa phương khác cũng không hề đơn giản và cần phải có một lộ trình lâu dài.

“Vấn đề khoán định mức xe công chúng ta đã đặt ra cách đây 20 năm rồi. Chúng ta đã thảo luận đã bàn bạc lần rồi tuy nhiên cuối cùng vẫn không làm được. Trường hợp của Bộ Tài chính hiện nay chỉ là thí điểm thôi. Việc có thể trở thành bài học về khoán xe công hay tinh giản bên chế hay không thì cũng rất khó.

Bộ Tài chính làm như vậy nhưng nếu không có cơ chế rõ ràng thì cũng sẽ bị quên đi, chỉ là phong trào nhất thời, theo tư tưởng nhiệm kỳ mà thôi. Vấn đề đặt ra là chính phủ phải đề xuất và quốc hội phải thành lập Luật rõ ràng gắn với Luật công chức buộc người ta phải thực hiện.

Và việc thanh tra phải làm rất rõ. Hơn nữa liệu rằng có thể thuyết phục được Bộ Nội vụ, thuyết phục các Bộ, Ban, Đảng ở Trung ương được không? Đó là một câu hỏi rất khó và tôi nghĩ để làm được cần phải có lộ trình”, ông Tri phân tích.

Theo vị Phó giáo sư, khi tiến hành tinh giản biên chế, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xét đến định mức đầu tiên rồi sau đó mới tính đến định biên. Tuy nhiên với đội ngũ cán bộ, công chức đông như hiện nay, để tinh giản người này, người kia cũng không phải dễ dàng bởi lẽ đa phần công chức đều hoàn thành nhiệm vụ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cong-chuc-cap-o-tieu-ton-17000-ty-co-dan-ganh-het-3320795/