Công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước: Còn thiếu minh bạch

Đó là một trong những thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí nêu ra tại Hội thảo quốc tế Giám sát tài chính doanh nghiệp Nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, tổ chức ngày 29/11.

Nhiều doanh nghiệp “trốn” công bố thông tin

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến đầu năm 2016, Nhà nước đầu tư vốn tại hơn 1.000 DN, trong đó, 781 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn và 248 DN có cổ phần của Nhà nước. Tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) khoảng hơn 3.105 tỷ đồng, với hệ số vốn chủ sở hữu khoảng 40%. Trong năm 2014, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty là 16%, của khối độc lập thuộc Bộ và UBND cấp tỉnh là 10%.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong những tổng công ty công bố thông tin không đầy đủ. Ảnh: Trần Việt

Có thể thấy, số lượng DNNN hiện nay khá lớn. Tuy nhiên, mức độ công khai, minh bạch thông tin của khối DN này vẫn chưa cao. Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính cho hay, theo kết quả tìm hiểu về việc thực hiện Nghị định 81/2015 của Chính phủ do Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty không công bố hoặc công bố không đầy đủ thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh theo định kỳ quý/năm. Đáng chú ý, trong số các DN không thực hiện công bố thông tin hoặc công bố không đầy đủ có các tập đoàn, tổng công ty lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tổng Công ty Thuốc lá (Vinataba), Tổng Công ty Giấy, Tổng Công ty Cà phê (Vinacafe), Viettel, MobiFone, Vinaphone...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, với số lượng DN có vốn đầu tư của Nhà nước lớn, số tiền đầu tư dàn trải vào nhiều DN, nhiều lĩnh vực và do nhiều cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước, cũng như tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các DNNN” - ông Chí cho hay.

Tăng giám sát tài chính

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác giám sát tài chính DNNN. Đó là cơ chế phân cấp trong thực hiện các quyền sở hữu tại DNNN vừa phân tán, vừa chồng chéo. Công tác giám sát vốn Nhà nước đầu tư tại DN chưa chặt chẽ, hiệu quả giám sát chưa cao. Việc công bố thông tin của các DN có vốn Nhà nước còn thiếu minh bạch. Cơ chế xử lý người đứng đầu khi xảy ra sai phạm, cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Đây cũng chính là những khó khăn mà cơ quan giám sát tài chính DNNN phải đối mặt và tìm kiếm giải pháp phù hợp.

Thời gian qua, hệ thống cơ chế, chính sách để thực hiện quản lý và giám sát vốn đầu tư tại DNNN đã được Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành đồng bộ và liên tục được sửa đổi. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đã hạn chế được rủi ro thất thoát trong quản lý, đầu tư vốn tại các DNNN. Công tác quản lý, giám sát tài chính DN đã được triển khai thông qua các hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính; phân tích, đánh giá, xếp loại DN; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế chính sách tài chính DN.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ và địa phương thực hiện tổng hợp, phân tích, đánh giá về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh báo cáo Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thông qua việc giám sát, phân tích và đánh giá hiệu quả hoạt động của DN, Bộ Tài chính và cơ quan chủ sở hữu đã đưa ra kiến nghị và cảnh báo về rủi ro trong hoạt động của các tổng công ty Nhà nước để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cong-bo-thong-tin-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-con-thieu-minh-bach-274207.html