Công bố nguyên nhân dừng dự án điện hạt nhân

Việt Nam đang cần nguồn lực tài chính để đầu tư cho các dự án hạ tầng quan trọng hơn...

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hoàn toàn bởi lý do kinh tế.

Chiều 22/11, ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thông báo lý do dừng dự án và các giải pháp thay thế nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin một số nội dung quan trọng liên quan đến dự án quan trọng nói trên.

Cần tiền cho dự án quan trọng hơn

Theo Bộ trưởng Dũng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 11/2009. Dự án này gồm 2 nhà máy với công suất khoảng 2.000MW/nhà máy.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành và trình Thủ tướng hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Ninh Thuận 2 đã được tư vấn quốc tế bổ sung, hoàn thiện và nộp cho EVN để thẩm tra.

Một số nội dung khác liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng cho dự án cũng đã được thực hiện dở dang.

Trả lời câu hỏi của báo giới về lý do dừng dự án, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: “Việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hoàn toàn do lý do kinh tế, không có chuyện vì lý do công nghệ”.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vào thời điểm Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án này (2009), lúc đó dư địa chúng ta tốt hơn. Cụ thể là nhu cầu điện thực sự thiếu, lại chưa xác định xây dựng một số công trình trọng điểm khác về đường sá, sân bay Long Thành…

Nhưng hiện nay, Đảng Nhà nước đã xem xét lại các dự án ưu tiên, trọng điểm quốc gia cần thiết để dồn nguồn lực cho những dự án này, trong đó có tuyến đường cao tốc Bắc – Nam với vốn đầu tư trên 200.000 tỷ đồng, dự án sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao, đường ven biển…

Trong khi đó, về nguồn cấp điện thì chúng ta lại khá yên tâm. Cả nước hiện có 34 dự án điện với công suất khoảng 6.000 MW, có thể thay thế được lượng điện thiếu hụt khi không làm 2 dự án hạt nhân.

“Tôi xin khẳng định lại, việc dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hoàn toàn do mục đích kinh tế. Phải chọn các dự án hạ tầng trước, có tác động lan tỏa đối với kinh tế - xã hội. Còn việc dừng này không phải vì lý do công nghệ , bởi cả 2 đối tác Nga – Nhật Bản đều là những quốc gia có kinh nghiệm về điện hạt nhân. Công nghệ là hoàn toàn có thể yên tâm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đối tác tôn trọng quyết định của Việt Nam

Trả lời câu hỏi về hướng xử lý những nội dung công việc đang triển khai dở dang khi dừng dự án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư đã tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng một số hạng mục, đầu tư hệ thống điện, xây nhà cho ban quản lý dự án…

EVN cũng đã cử gần 400 người sang Nga và Nhật Bản để đào tạo nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án.

Tuy nhiên, dù dự án này đã dừng lại, nhưng trong thời gian tới Việt Nam vẫn tiếp tục đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này vì không chỉ sử dụng cho nhà máy hạt nhân Ninh Thuận mà để phục vụ cho ngành khoa học, các mục đích hòa bình khác ngoài phát điện.

Một số công việc đang làm với đối tác Nga – Nhật Bản thì Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục làm việc để kết thúc các việc đang dở dang, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của các bên.

Về các giải pháp đảm bảo nguồn điện thay thế khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay, với công nghệ hiện đại thì khi vận hành các nhà máy nhiệt điện thì chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được điện và môi trường đến 2030 và sau đó.

Về quan hệ với hai đối tác Nga – Nhật Bản sau khi Việt Nam quyết định dừng dự án này, người phát ngôn Chính phủ cho biết, mới đây Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã làm việc với các đối tác Nga, Nhật, trong đó nêu rõ lý do phải dừng do khả năng kinh tế của Việt Nam. Chúng ta cần phải dồn lực cho một số dự án hạ tầng cấp thiết hơn, có tính kết nối đồng bộ hơn.

“Mặc dù các đối tác bày tỏ sự đáng tiếc của việc dừng dự án, song về cơ bản các đối tác đều thể hiện quan hệ hữu nghị, bày tỏ sự cảm thông và tôn trọng quyết định của Việt Nam, đồng thời Chính phủ hai nước mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng thay thế cho việc hợp tác đầu tư dự án điện hạt nhân nói trên”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Nguyên Hà

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/cong-bo-nguyen-nhan-dung-du-an-dien-hat-nhan-20161122060238219.htm