Công bố hiện trạng môi trường Việt Nam: Sẽ thanh tra diện rộng các dự án có nguồn thải lớn

Chiều 29.9, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015” cho thấy bức tranh môi trường của Việt Nam với mối hiểm họa ô nhiễm đến từ mọi phía: Không khí, sử dụng đất đai, nguồn nước, rác thải, thiên tai và biến đổi khí hậu... Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho hay đang tập hợp danh sách và sẽ thanh tra diện rộng một số dự án có nguồn thải lớn, gây nguy cơ cao để tập trung xử lý.

Khói bụi trên xa lộ Hà Nội (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: TL

Lĩnh vực nào cũng có “ô nhiễm”!

Theo ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, qua số liệu quan trắc của Bộ TNMT ở một số thành phố lớn, chất lượng môi trường đặc biệt ở các đô thị có xu hướng giảm. Các chỉ số chất lượng môi trường không tốt tại một số khu vực và ở nhiều thời điểm trong ngày có dấu hiệu tăng, trong đó ô nhiễm không khí mà điển hình là bụi, khói khá trầm trọng.

Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ đang làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Chất thải từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh. Tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Trong khi đó hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng sự cố, giảm chất lượng môi trường nhưng đáng chú ý là tình trạng thực thi pháp luật chưa tốt. Theo lãnh đạo tổng cục, tới nay Việt Nam đã có hệ thống luật tương đối đầy đủ nhưng việc thực thi đâu đó còn nhiều vấn đề, từ các cơ quan quản lý tới các DN cũng như người dân. Ông đưa ví dụ về việc có quy định các quy chuẩn rác thải nhưng nhiều DN vẫn cố tình xả thải trộm và dù đã xử phạt nhiều lần nhưng nhiều DN vẫn vì lợi nhuận trước mắt vẫn cố tình vi phạm.

Nhận thức một số địa phương chưa tốt và vẫn còn vì kinh tế mà hy sinh môi trường dẫn tới phát triển ồ ạt không theo quy hoạch.

Ô nhiễm không khí mà điển hình là bụi, khói khá trầm trọng.

Khoanh vùng đối tượng “nguy cơ cao” với môi trường

Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài khẳng định: Thống kê có khoảng 20% các nhóm đối tượng gây ra 70 - 80% vấn đề ô nhiễm môi trường và đang tiến hành khoanh vùng để giám sát. Khi được hỏi về danh sách các đối tượng này, ông Tài cho hay đang tập hợp danh sách trong đó có một số loại hình sản xuất, một số dự án có nguồn thải lớn, gây nguy cơ cao và sắp tới bộ sẽ thanh tra diện rộng nguồn thải từ 200m3 trở lên đổ ra sông ra biển để tập trung xử lý.

Ông Tài cũng thừa nhận sau sự cố Formosa “có một sự giật mình đánh giá lại hiện trạng môi trường của Việt Nam”. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hy vọng báo cáo về hiện trạng môi trường vừa công bố sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, quy hoạch chính sách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và bộ sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến nghị của báo cáo để tiếp tục nghiên cứu làm sâu sắc hơn và bổ sung các chuyên đề về hiện trạng môi trường những năm tiếp theo.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 đã kiến nghị Quốc hội rà soát, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan nhằm hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất và hiệu quả hơn để quản lý và bảo tồn; nghiên cứu xây dựng Luật Không khí sạch.

* Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vào tháng 4.2016 được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Vụ việc được xếp cuối cùng trong số các sự cố điển hình được đề cập trong báo cáo gồm: Sự cố tràn dầu do chìm tàu Trường Hải Star tháng 4.2012; sự cố bục lò đốt chất thải của Công ty cổ phần phốt pho vàng Lào Cai tháng 2.2012; vụ cháy lò than tại Công ty than Đồng Vông thuộc Công ty than Uông Bí (Quảng Ninh) tháng 1.2014; sự cố vỡ bể chứa bùn thải chì thuộc Nhà máy chế biến chì kẽm của Công ty TNHH CKC tại Lạng Cá, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng; vụ xả thải của Nhà máy mía đường Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) gây ô nhiễm sông Bưởi (Thanh Hóa) tháng 3 - 4.2016...

* Việc khai thác than và nhiệt điện khiến chỉ số NO2 gấp 1,2 lần qua các năm ở Hạ Long (Quảng Ninh). Một số khu dân cư ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc chỉ số này tăng 1-1,5 lần.

LÂM ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/cong-bo-hien-trang-moi-truong-viet-nam-se-thanh-tra-dien-rong-cac-du-an-co-nguon-thai-lon-596755.bld