Công bố danh sách sáu ứng cử viên tranh cử tổng thống Iran

Sáu ứng cử viên sẽ được phép tiến hành chiến dịch vận động tranh cử từ nay cho đến ngày 18/5 (giờ địa phương) nhưng sẽ không có tranh luận trực tiếp trong giai đoạn vận động tranh cử.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani sau khi đăng ký tái tranh cử nhiệm kỳ hai ở Tehran ngày 14/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội đồng Hiến pháp Iran ngày 20/4 đã công bố sáu ứng cử viên được phép tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào ngày 19/5 tới.

Cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã bị loại khỏi danh sách trên.

Tuyên bố của hội đồng trên cho biết các ứng cử viên được chọn bao gồm Tổng thống Hassan Rouhani; hai người theo đường lối cứng rắn là ông Ebrahim Raisi, được cho là thân cận với lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei, và Thị trưởng Tehran Mohammad Bagher Qalibaf; Phó Tổng thống Eshaq Jahangiri, đồng minh của Tổng thống Rouhani; ông Mostafa Mirsalim theo đường lối bảo thủ và cựu Phó Tổng thống Mostafa Hashemitaba ủng hộ cải cách.

[Tổng thống Iran đối mặt với thách thức trong cuộc bầu cử sắp tới]

Theo Bộ Nội vụ Iran, các ứng cử viên sẽ được phép tiến hành chiến dịch vận động tranh cử từ nay cho đến 8 giờ ngày 18/5 (giờ địa phương). Tuy nhiên, sẽ không có các cuộc tranh luận trực tiếp trong giai đoạn vận động tranh cử.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Iran, Seyed Salman Samani, nêu rõ: "Căn cứ vào quyết định của Ủy ban giám sát chiến dịch tranh cử, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên sẽ được phát sóng từ băng hình ghi sẵn."

Ủy ban này cũng đưa ra các hướng dẫn tranh luận, theo đó các ứng cử viên không được phép "bôi nhọ hình ảnh đất nước... hoặc hoạt động của các cơ quan tư pháp, hành pháp hay lập pháp."

Các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đã trở thành điểm nổi bật trong hai kỳ bầu cử vào năm 2009 và 2013, khi nhiều nhà phân tích đánh giá màn tranh luận của Tổng thống Hassan Rouhani là nhân tố quan trọng cho chiến thắng bất ngờ của ông này.

Những màn tranh luận nảy lửa trên truyền hình trong cuộc bầu cử năm 2009 giữa cựu Tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad và các đối thủ theo đường lối cải cách đã làm chia rẽ cử tri và được coi là tác động một phần tới tình trạng bất ổn sau bầu cử khi ông Ahmandinejad tái đắc cử với các cáo buộc gian lận phiếu bầu./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cong-bo-danh-sach-sau-ung-cu-vien-tranh-cu-tong-thong-iran/442381.vnp