Công an xã liên tiếp bị tố 'đánh dân': Áp lực lớn, năng lực yếu!

Xung quanh câu chuyện gần đây, một số công an xã bị tố tự ý hành hung người dân, giới chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến xảy ra nhiều vụ việc phản cảm là do năng lực của đội ngũ công an xã đang rất hạn chế.

Năng lực có vấn đề

Nói về những vụ việc công an xã khi giải quyết công việc có những hành vi vi phạm pháp luật như đánh người gây thương tích, bắt người không đúng… một vị cán bộ ở Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân là do trình độ hiểu biết, thiếu năng lực làm việc. “Anh không có trình độ, không hiểu biết pháp luật, làm việc nóng vội rất dễ dẫn tới sai phạm” – vị cán bộ này nói.

Công an xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) kiểm tra hành chính một trường hợp tham gia giao thông trên đường liên thôn. Ảnh: Báo Đăk Lăk

Nếu chính quy hóa lực lượng công an xã thì ngân sách nhà nước không "gánh" được. Trong khi nhu cầu thì rất cần, hiện tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội ở nông thôn diễn biến phức tạp. Tốc độ đô thị hóa, tác động lan truyền từ các khu thị tứ, thị trấn làm cho vùng nông thôn không còn thuần khiết như 20-30 năm về trước” .

Nguyên Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Quốc phòng, An ninh
của Quốc hội Lê Việt Trường

Theo vị cán bộ này, để hạn chế những sai phạm của công an xã như đã xảy ra trong thời gian qua, không chỉ cần các quy định của pháp luật (dự thảo Luật Công an xã đang được xây dựng) mà còn nhiều biện pháp như giáo dục, kỷ luật, tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện.

“Cũng giống như người bình thường, công an xã khi giải quyết công việc không được đánh người hay có những vi phạm pháp luật khác, còn việc vi phạm có thể là do nhận thức. Bất cứ sai phạm nào cũng phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm để giáo dục phòng ngừa chung” - vị cán bộ này bày tỏ.

Theo vị cán bộ Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an đã được Chính phủ giao nghiên cứu để tiến tới chuyên nghiệp hóa lực lượng công an xã, có thể một số vị trí như trưởng, phó công an xã là sĩ quan chính quy.

Trước đó phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 8.2016) khi cho ý kiến về dự thảo Luật Công an xã, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng: Thẩm quyền của công an xã rất là nhiều, phức tạp, với thẩm quyền như dự thảo luật quy định, lực lượng công an xã bị áp lực rất lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ.

Để thực hiện thẩm quyền vừa mang tính chất là lực lượng vũ trang, vừa mang tính chất cơ quan có thẩm quyền hoạt động liên quan đến tố tụng hình sự, lực lượng công an xã được trang bị vũ khí gồm súng, dùi cui bình xịt hơi, roi điện. Tuy nhiên đầu vào của lực lượng công an xã còn thấp nếu so với các lực lượng công an chính quy.

Công việc tạm, có cơ hội là chuyển?

Là người từng tham gia góp ý về dự thảo Luật Công an xã, ông Lê Việt Trường – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng: Những vụ việc công an xã vi phạm được báo chí phản ánh có nguyên nhân từ năng lực, trình độ. Ông Trường phân tích: Lực lượng công an xã tính ổn định rất thấp, kể cả với vị trí chủ chốt. Số lượng anh em làm công an viên gần như xem công việc đó là tạm thời, khi có cơ hội là chuyển sang làm công việc khác.

“Công an xã với tính chất là lực lượng bán chuyên trách, hàng năm được công an huyện tập huấn về nghiệp vụ, nhưng việc đào tạo không bài bản, cộng với tình huống xử lý các vụ việc ngày càng có tính chất phức tạp nên có không ít số vụ công an xã vô tình vi phạm pháp luật” – ông Trường nói.

Theo ông Trường, trong điều kiện hiện nay nếu chính quy hóa lực lượng công an xã thì ngân sách nhà nước không "gánh" được. Trong khi nhu cầu thì rất cần, hiện tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội ở nông thôn diễn biến phức tạp. Tốc độ đô thị hóa, tác động lan truyền từ các khu thị tứ, thị trấn làm cho vùng nông thôn không còn thuần khiết như 20 -30 năm về trước” – ông Trường cho biết.

Theo ông Lê Việt Trường, để giải quyết vấn đề này cần phương án kết hợp. Nghĩa là cần có tỷ lệ công an chính quy nằm ở các xã với tỷ lệ phù hợp. Số này là nòng cốt trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, kết hợp với lực lượng công an viên nằm ở các thôn, xóm như hiện nay.

Ông Trường phân tích thêm: Để trưởng, phó công an xã là công an chính quy, hoạt động sẽ thuận lợi hơn. “Họ là người do công an huyện điều động xuống công tác, không bị sự chi phối bởi tình làng nghĩa xóm trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Ví dụ ông trưởng hay phó công an xã là người địa phương có thể sẽ bị chi phối nếu phải xử lý người vi phạm là chỗ thân quen, họ hàng” – ông Trường nói.

Điểm thuận lợi thứ hai theo ông Trường, khi làm việc với công an chính quy lực lượng công an viên sẽ được cọ xát để nâng cao trình độ. “Khi công an viên làm nhiệm vụ phải tạm giữ ai đó có dấu hiệu phạm pháp, có công an chính quy đi cùng, họ có nghiệp vụ được đào tạo bài bản nên biết việc tạm giữ đó là đúng hay sai. Trong không ít vụ việc, người phụ trách là phó trưởng công an xã cũng “mù mờ” giống như ông công an viên nên cùng nhau sai” – ông Trường nêu ví dụ.

Trưởng Công an xã Phúc Thọ (Nghi Lộc, Nghệ An) Vương Đình Phúc:

Mong được quan tâm về chế độ, phụ cấp

Vị trí trưởng công an xã như chúng tôi thì được công chức còn từ phó trưởng công xã trở xuống thì không được công chức.
Chế độ, phụ cấp với lực lượng công an xã cũng gần như chưa có gì. Ngay như lương của tôi cũng chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, phó công an xã chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Đặc thù công việc của chúng tôi lại gần như đi làm cả ngày lẫn đêm. Buổi đêm khi có sự vụ trên địa bàn xã thì chúng tôi phải có mặt ngay, bất kể thời điểm nào. Xăng xe cũng không được tính.
Ngay như dân quân xã, mỗi người đi làm nhiệm vụ còn được hưởng 92.000 đồng/ngày nhưng công an xã thì không được. Chúng tôi mong Quốc hội khi xây dựng Luật Công an xã quan tâm hơn đến chế độ, phụ cấp cho công an xã một cách tương xứng để chúng tôi yên tâm công tác và cống hiến vì sự bình yên của nhân dân.

Ngọc Thọ (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/cong-an-xa-lien-tiep-bi-to-danh-dan-ap-luc-lon-nang-luc-yeu-755733.html