Còn sức còn đi tìm đồng đội

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh đồng đội ngã xuống vẫn không phai mờ trong trái tim cựu chiến binh (CCB) Đinh Hồng Hợi, sinh năm 1945, thương binh hạng 4/4, ở khu 1, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương).

Ông Hợi đã đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) trong cả nước để tìm kiếm thông tin, đưa hài cốt đồng đội về quê nhà. Vợ con ông cũng tích cực hỗ trợ và tham gia.

Hồi tưởng lại những năm chiến tranh, ông Hợi kể: “Khi ấy, tôi là trung đội trưởng cùng đồng đội chốt ở Sân bay Đông Hà (Quảng Trị) chống địch lấn chiếm. Bị pháo địch tập kích, anh Lê Văn Luyện, quê ở xã Tân Dân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, cùng chiến đấu với tôi đã hy sinh. Tôi tự tay chôn cất anh ấy tại khu đồi gần sân bay. Sau này trở lại tìm kiếm hài cốt, tôi được biết liệt sĩ Lê Văn Luyện đã được cất bốc về NTLS huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Tìm đến tận nơi, xác minh kỹ thông tin, tôi đã cùng gia đình làm thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ Lê Văn Luyện về quê nhà.

Ông Hợi cùng vợ trao đổi và tra cứu thông tin về liệt sĩ.

Liệt sĩ Dương Đức Nhân, quê ở xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn cũng được ông Hợi cùng thân nhân đón về an táng tại NTLS quê nhà vào tháng 12-2015. Ông Hợi cho biết: “Năm 1965, tôi và đồng chí Nhân cùng nhập ngũ và được bổ sung vào Trung đoàn 927, Quân khu 4, rồi sang nước bạn Lào chiến đấu. Về nước, chúng tôi cùng đơn vị vượt sông Bến Hải, chiến đấu tại khu Cồn Tiên-Dốc Miếu. Ngày 21-3-1967, anh Nhân hy sinh. Năm 2013, tôi vào Quảng Trị tìm đồng đội, đến Ban CHQS huyện Gio Linh để tra cứu thông tin liệt sĩ thì nhìn thấy chiếc bút Trường Sơn có khắc tên Dương Đức Nhân và em gái Dương Thị Hiền. Được cán bộ cơ quan quân sự cho biết, địa phương phát hiện ra hài cốt nhưng không có thông tin liên quan, chỉ có chiếc bút Trường Sơn là kỷ vật, còn hài cốt chôn cất tại NTLS xã Gio Bình. Nhớ lại trước ngày nhập ngũ, tôi biết anh Nhân có em gái là Dương Thị Hiền nên tôi khẳng định đây là đồng đội mà mình đang tìm kiếm và thông tin ngay đến gia đình liệt sĩ”.

Bà Dương Thị Hiền, em gái liệt sĩ Dương Đức Nhân, xúc động nói: “Ngày bố mẹ tôi còn sống chỉ mong muốn tìm được hài cốt anh Nhân. Bác Hợi cho biết thông tin và còn cùng gia đình tôi vào Quảng Trị 3 lần để thắp hương, làm thủ tục đưa hài cốt anh về quê hương. Vậy là sau hơn 20 năm bố mẹ tôi qua đời, tôi mới hoàn thành được tâm nguyện của các cụ. Chiếc bút đó gia đình tôi gửi lại Ban CHQS huyện Gio Linh lưu giữ làm kỷ vật".

Vợ ông Hợi-bà Nguyễn Thị Diếp (sinh năm 1949) quê ở xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, từng là dân quân trong kháng chiến, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất. Bà Diếp cũng tìm được nơi chôn cất liệt sĩ Phạm Văn Ngật và cùng thân nhân đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại NTLS xã Hồng Phong. Bà Diếp kể: "Tôi và anh Ngật là người cùng xóm và là bạn học với nhau. Học xong, tôi tham gia dân quân của xã và sau đó đi làm công nhân Nhà máy Sứ Hải Dương, còn anh Ngật đi bộ đội và hy sinh. Bố mẹ anh Ngật đều đã mất, anh trai thì ốm yếu. Một lần về thăm quê, anh trai liệt sĩ đưa cho tôi tờ giấy ghi thông tin về liệt sĩ mà người cung cấp ở huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Bàn bạc với chồng để vào Nam, khắc phục khó khăn về thời tiết và sức khỏe, tôi thuê xe đi hơn 200km tới NTLS huyện Tân Biên (Tây Ninh). Người quản trang đưa nhiều tập danh sách để tra cứu và khi thấy tên, mộ chí của anh, tôi cảm động òa khóc vì đã tìm được bạn…".

Hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Tín dụng thị trấn Phú Thứ và tham gia nhiều hoạt động từ thiện, ông Hợi còn là Trưởng ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 27-Triệu Hải của tỉnh Hải Dương. Từ năm 2011 đến nay, ông đã tổ chức 3 lần cho hàng trăm lượt đồng đội vào dâng hương các liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị; gần đây nhất là cuối tháng 4-2017… Ông bà đã thống nhất, năm 2018 sẽ thu xếp công việc để vào Quảng Trị, với nguyện vọng còn sức lực còn tiếp tục lên đường đi tìm đồng đội.

Bài và ảnh: PHÙNG VĂN HẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thong-tin-liet-si/ket-qua/con-suc-con-di-tim-dong-doi-507963