Con số cảm xúc

Nhiều người không khỏi giật mình khi tiếp cận thông tin: Hiện, cả nước có khoảng 40.000 xe công, tiêu tốn lên tới gần 13.000 tỷ đồng tiền ngân sách mỗi năm, gấp 27 lần thu ngân sách của cả tỉnh Bắc Kạn trong năm 2015. Những chiếc xe công tiêu tốn số tiền ngân sách lớn như vậy mà hoạt động hiệu quả, thiết thực cũng đã là điều cần phải cân nhắc rồi, đằng này có không ít trường hợp xe công gần như biến thành xe tư thì không thể chấp nhận được.

Lâu nay, các cơ quan truyền thông đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để phản ánh, để lên án sự xa xỉ, lãng phí trong sử dụng xe công.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã nhiều lần lên tiếng chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, song có vẻ như vấn đề nan giải này chưa được các cơ quan chức năng trả lời rốt ráo, hoặc có trả lời thì cũng là để cho qua, chứ chưa thực sự có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn.

Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc số lượng xe công ngày một phình ra mãi kéo theo đó hệ lụy là Nhà nước sẽ phải gồng mình lên để tăng thu ngân sách.

Không cảm xúc sao được khi mà có tới gần 13.000 tỷ đồng tiền thuế của dân bị tiêu tốn mỗi năm để rồi chất lượng phục vụ người dân vẫn không có nhiều tiến triển. Ai có thể bàng quan, làm ngơ trước việc có không ít “công bộc của dân” dùng xe công vào công việc tư như đi đám cưới, đám hỏi, về quê, đưa đón con đi học...

Có thể không bức xúc sao, khi mà tiền thuế của dân bị chi tiêu không hiệu quả, trong khi chúng ta đang còn thiếu nhiều trường học, bệnh viện, người bệnh vẫn phải nằm ghép tới 4-5 người/ giường?

Có thể không bức xúc sao khi nhiều nơi cầu cống, đường sá vẫn còn xập xệ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân...? Người dân - những người đóng thuế có quyền biết, thậm chí góp phần quyết định sẽ sử dụng những đồng tiền đó sao cho hiệu quả, thiết thực phục vụ an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đáng nói ở chỗ dù xe công đang được sử dụng tràn lan, lãng phí và là một vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội, vậy mà gần đây vẫn không ít cơ quan, đơn vị “kêu” thiếu xe công phục vụ công tác để xin bổ sung. Đương nhiên cũng không thể phủ nhận những đơn vị hiện vẫn chưa đủ xe công theo định mức.

Song, con số này chỉ chiếm chưa tới 1%, trong khi con số cơ quan, đơn vị dư thừa, thậm chí vượt định mức tới hàng chục xe công thì lại quá nhiều. Có đơn vị theo thống kê của Bộ Tài chính hiện đã vượt định mức khoảng 20 xe công nhưng vẫn rậm rịch xin thêm vì... “thiếu”.

Một trong những ví dụ điển hình là mới đây, TP Hà Nội đã có đề xuất xin thêm xe công vì “thiếu” số lượng xe công so với quy định mới (2 xe mỗi đơn vị). Theo quy định cũ thì mức trang bị xe công cho các cấp sở, ngành được tối đa 4 xe, nhưng do thực tế lãng phí xe công nên Chính phủ phải ban hành quy định mới giảm định mức xuống còn 2 xe mỗi đơn vị.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng khẳng định: Quyết định 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành là để chấn chỉnh tình trạng lãng phí xe công dẫn đến tiêu tốn tiền thuế của dân một cách vô ích.

Chính Cục trưởng Cục Quản lý công sản nhấn mạnh: Quyết định của Thủ tướng quy định về tiêu chuẩn, định mức cơ bản là phù hợp và khó có thể có ngoại lệ. Tuy nhiên, trên thực tế thì cũng có những đơn vị có khối lượng công việc nhiều, có đơn vị khối lượng công việc ít nên trong quá trình triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để phân bổ xe công cho phù hợp.

Cũng tại Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định việc khoán xe công để tiết kiệm, chống lãng phí tiền ngân sách. Song, do không phải là chế tài bắt buộc mà là khuyến khích nên chỉ có một vài người đăng ký khoán xe công nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn, còn hầu hết cán bộ, công chức đều thờ ơ với chủ trương khoán xe công của Chính phủ. Cũng phải thôi, khi mà xe công mang lại nhiều tiện ích cho họ hơn rất nhiều so với xe biển trắng.

Cuối cùng, cảm xúc của dư luận vẫn chỉ là nỗi bức xúc chứ còn biết làm gì hơn? Hy vọng tới đây, với nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo để phục vụ người dân, nạn sử dụng tràn lan, lãng phí xe công sẽ được khống chế, kiểm soát và loại bỏ.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/con-so-cam-xuc/124706