Con sẽ lớn lên khỏe mạnh để giữ vững biển đảo Tổ quốc

Cậu bé Trần Dương Thế Phong (13 tháng tuổi) – một “lính mới tinh” của cư dân xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa vừa mới được đưa vào đất liền phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh phức tạp. Một ca phẫu thuật tưởng chừng như thường quy ấy chứa ẩn bao câu chuyện nghĩa tình.

Bé Thế Phong bụ bẫm bên mẹ 3 tuần sau ca mổ. Ảnh: V.Q

Ở nơi không có sự hiện diện của tiền

Hơn 3 tuần sau ngày diễn ra ca mổ tim tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cậu bé Trần Dương Thế Phong đã vô cùng khỏe mạnh, hiếu động. Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cháu Phong rất may mắn vì đã được đưa vào đất liền phẫu thuật sớm. Nếu chậm trễ thêm vài tháng, e rằng các bác sĩ không thể can thiệp được nữa. Cháu bé sẽ bị suy tim, máu ứ trên phổi làm xung huyết phổi. Bé không thể sống lâu với tình trạng như vậy.
Cậu bé Phong là một trong những đứa trẻ được tài trợ phẫu thuật tim miễn phí. Nói về ca mổ của con trai, chị Dương Thị Thanh Hiền (26 tuổi, quê ở Cam Ranh, Khánh Hòa) không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy như có một phép màu nào đó để giữ con ở lại bên mình. Bởi trước đó, số tiền 100 triệu đồng với vợ chồng tôi quả thật là một con số quá lớn”.
Hai vợ chồng anh Trần Minh Thôi (29 tuổi) và chị Hiền lập nghiệp trên xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa từ năm 2013 khi đã có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh. Ở nơi chỉ có 7 hộ gia đình và 4 bề bao quanh là biển, mọi sinh hoạt của vợ chồng đều gắn liền với biển đảo. Hàng ngày vợ trồng rau, chồng đi biển đánh cá. Nước ngọt, gạo và thực phẩm được trao đổi với các chiến sĩ bộ đội: “Ở nơi này, không có sự bán chác gì. Quanh năm, gần như tiền không hiện diện. Và vì thế tiền cũng trở nên vô nghĩa” – anh Trần Minh Thôi chia sẻ.
Cho đến một ngày năm 2014, chị Hiền nhận được tin vui mang thai đứa con thứ hai. Đến tháng thứ 5, chị đi khám thai thì phát hiện thai nhi không tăng cân. Chị Hiền phải chờ tàu đưa vào đất liền để khám. Bác sĩ cho biết, em bé trong bụng mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp: “Lúc đó, tôi hoang mang và đau khổ lắm. Nhưng hai vợ chồng cứ an ủi nhau, cứ sinh con ra. Biết đâu, có một phép màu nào đó”. Gần đến ngày dự sinh, vợ chồng anh Thôi, chị Hiền về đất liền cho tiện sinh nở. Lênh đênh 4 ngày trời trên biển để đến được đất liền là huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, hai vợ chồng lại phải vội vã bắt xe xuống TPHCM. Vừa đến Bệnh viện Từ Dũ, chị Hiền có dấu hiệu sinh. Vì thai nhi không bình thường nên các bác sĩ phải tiến hành ca mổ bắt con: “Tôi cách ly với con bảy ngày. Đến lúc về, bác sĩ dặn dò chuẩn bị tinh thần vì con bị tim bẩm sinh. Lúc đó hai vợ chồng tôi rất buồn, cứ lo lắng tìm nơi chạy chữa mãi. Nhưng vì không biết kiếm đâu 100 triệu phẫu thuật cho con nên tôi lại mang bé về đảo Trường Sa, và cầu mong một phép màu”.

Ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM phẫu thuật tim cho bé Phong. Ảnh: Minh Trí

Ca mổ nghĩa tình

Phép màu đó đã xảy ra. Khi một đoàn phóng viên đi công tác ở Trường Sa, một phóng viên đã đến thăm gia đình anh chị. Biết được hoàn cảnh của cậu bé Phong, anh phóng viên liền tìm cách kết nối gia đình với quỹ Trái tim cho em. Ngay sau khi được ghi hình, bé Phong đã có mạnh thường quân liên lạc để hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật tim.
Chị Nguyễn Công Tuyết Hân, đại diện Cty sữa IQLac Pro, đơn vị tài trợ ca phẫu thuật cho bé Phong chia sẻ: “Lúc xem chương trình Trái tim cho em, chúng tôi vô cùng xúc động với hoàn cảnh của bé. Ở nơi đảo xa, đầu sóng ngọn gió, và điều kiện y tế còn thiếu thốn, khi ấy, các bác sĩ ở đất liền đã phải thăm khám qua điện thoại ”.
Không phải nghĩ về số tiền 100 triệu đồng nữa, vợ chồng anh Thôi chị Hiền lập tức về đất liền đưa con đi điều trị. Trước chuyến đi, các chiến sĩ bộ đội trên đảo, bà con 7 hộ dân đã vót vét số tiền nhỏ của mình để “cho thằng cu Phong ăn bánh, uống sữa”. “Trước giờ, ở với bà con, với bộ đội, mọi người chan chứa yêu thương nhau, nhà ai thiếu gì san sẻ với nhau. Chúng tôi cứ ngày ngày ăn cơm cá biển kho mặn, ăn rau nhà trồng. Có ai phải mua bán gì đâu mà hiểu vai trò của tiền. Đến khi gặp chuyện, thấy mọi người lo lắng cho thằng cu Phong, góp tiền cho cháu, tôi cũng thấy ấm lòng ” -anh Thôi xúc động chia sẻ.
“Bốn ngày trời lênh đênh trên biển về đất liền, đó có lẽ là những ngày tháng khó diễn tả cảm xúc của gia đình nhất. Lo lắng lẫn hạnh phúc đan xen, không thể nào nói hết nên lời. Ca mổ của con là những sự kết nối kì diệu, từ anh nhà báo đến nhà hảo tâm, từ các bác sĩ đến bà con, các chiến sĩ trên đảo. Tôi cảm thấy cuộc sống quanh mình đầy ắp nghĩa tình ” - chị Hiền nói.
Ca mổ được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM vào cuối ngày 7.12.2016, bé Phong được chẩn đoán bị tim bẩm sinh phức tạp thông sàn nhĩ thất, khiếm khuyết phát triển cộng với hở van tim. Theo BS Nguyễn Hoàng Định, ca mổ của bé Phong khá đặc biệt bởi thời điểm phẫu thuật, bé Phong nặng chưa đầy 10kg. Ca mổ kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, các bác sĩ mất khá nhiều thời gian để sửa van tim cho cháu: “Với tôi, đây là một ca mổ đáng nhớ, không chỉ ở vấn đề bệnh lý hay kỹ thuật phẫu thuật mà còn thể hiện tình cảm của đất liền với người dân nơi đầu sóng ngọn gió, những người đang chịu nhiều khó khăn để góp phần gìn giữ biển trời Tổ quốc” - BS Định chia sẻ.
Người trực tiếp thực hiện ca mổ cho cháu Phong, ThS-BS Cao Đằng Khang, khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết sau phẫu thuật bé cần được tái khám và theo dõi định kỳ cho đến khi lớn. Tuy nhiên, gia đình sống ngoài đảo, di chuyển khó khăn nên các bác sĩ đã thành lập một hồ sơ ghi rõ quá trình điều trị, những vấn đề hiện tại của bé, những biến chứng, vấn đề cần theo dõi để các bác sĩ ngoài đảo dễ dàng theo dõi. Nếu có vấn đề gì, gia đình, các bác sĩ ngoài đảo cũng có thể gọi điện cho các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược để nhận được sự hỗ trợ.
Tiếng cười lại vang lên trong gia đình vợ chồng nghèo đến từ đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa khi con trai trở về khỏe mạnh, bụ bẫm: “Có một sự trùng hợp là ngay lúc sinh bé ra, tôi đã đặt tên con là Thế Phong. Tôi đặt tên ấy khi nghĩ về những ngọn gió biển. Tôi mong con sẽ lớn lên mạnh mẽ như ngọn gió ấy. Nhất định tôi phải dạy con trân trọng nghĩa tình của mọi người dành cho nó. Hi vọng, thằng bé sẽ thích nơi này, lớn lên sẽ thành một chiến sĩ góp tay giữ vững biển đảo Tổ quốc”.

Vũ Quỳnh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/suc-khoe/con-se-lon-len-khoe-manh-de-giu-vung-bien-dao-to-quoc-627683.bld