'Cơn say' cổ phiếu nông dược HAI, điều gì đang xảy ra?

Trong khi các mã cổ phiếu doanh nghiệp cùng ngành có tăng, có giảm thì cổ phiếu của Công ty CP Nông dược HAI (mã HAI) lại có tới 18 phiên liên tục tăng (trong đó có 15 phiên tăng trần), điều gì đang xảy ra với HAI - một doanh nghiệp nông dược vốn không phải thuộc vào hàng 'cá mập' trong ngành?

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 26.7, cổ phiếu HAI tiếp tục có phiên tăng trần thứ 15, nâng mức giá cổ phiếu HAI lên mức 12.400 đồng/CP. Mức giá này cao gấp gần 4 lần so với thời điểm đầu năm 2017 khi cổ phiếu HAI chỉ dao động quanh vùng giá 3.000 - 3.300 đồng/CP.

Đà "say" liên tục của cổ phiếu HAI trong vài tuần qua

“Cơn say” theo... “sóng” cổ phiếu nông dược

Thực tế, từ đầu năm 2017 đến nay, cổ phiếu HAI chỉ “quanh quẩn” ở mức giá trên dưới 3.000 đồng/CP. Tuy nhiên, thời điểm từ đầu tháng 7 đến nay, khi Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Bảo vệ Thực vật An Giang - mã chứng khoán LTG) rục rịch niêm yết trên sàn UPCoM thì các mã cổ phiếu ngành nông dược, bảo vệ thực vật dường như mới được giới đầu tư quan tâm nhiều. Liên tục các mã cổ phiếu ngành thuốc bảo vệ thực vật như VFG, HAI, SPC... đều có các phiên giao dịch tăng trần ấn tượng.

Chẳng hạn, cổ phiếu SPC (Bảo vệ Thực vật Sài Gòn) sau hàng chục phiên đứng giá ở mức giá 15.900 đồng/CP, đã có 2 phiên tăng trần lên mức 18.200 đồng/CP. Tương tự, cổ phiếu VFG (Công ty CP Khử trùng Việt Nam) cũng có 5 phiên tăng liên tiếp (gồm 2 phiên tăng trần), đưa cổ phiếu VFG từ mức giá 52.800 đồng/CP lên mức 63.000 đồng/CP. Đặc biệt, cổ phiếu HAI lại liên tục “bùng nổ” tới 18 phiên liên tiếp, đưa cổ phiếu HAI từ mức giá “trà đá” trên dưới 3.000 đồng/CP vượt lên mức 12.400 đồng/CP.

Tuy nhiên, đà tăng của các mã cổ phiếu nông dược tới thời điểm hiện tại chỉ còn HAI là giữ được phong độ, các mã khác đều giảm hoặc đứng giá.

Cụ thể, SPC hiện đang giảm về mức giá 14.000 đồng/CP và đứng liên tục 6 phiên gần đây; VFG cũng giảm về vùng giá 50.000 đồng/CP. Thậm chí, “ông lớn” ngành nông dược mới lên sàn UPCoM 3 phiên gần đây là Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) cũng chỉ có 2 phiên tăng và 1 phiên giảm với giá trị hiện tại được giao dịch ở mức 57.000 đồng/CP, tăng 2.000 đồng/CP so với phiên chào sàn.

Cơ cấu kinh doanh năm 2016 của HAI

Thực tế, nếu so sánh về quy mô và vị thế trong cơ cấu thị phần ngành nông dược, cổ phiếu HAI chưa thể so sánh được với các doanh nghiệp như VFG, LTG... Tuy nhiên, nhìn vào đà tăng trưởng của doanh nghiệp này trong thời gian qua thì mới thấy được tiềm năng khá lớn của doanh nghiệp này khi giành được khoảng 5,5% thị phần ngành thuốc bảo vệ thực vật với doanh thu năm 2016 đạt tới 1.600 tỷ đồng; chưa kể, HAI còn là doanh nghiệp đầu tiên đặt chi nhánh tại Campuchia và sở hữu hệ thống hơn 100 đại lý thân thiết giàu tiềm năng tại quốc gia này...

Hiện, cổ phiếu HAI cũng đang được giao dịch tại mức định giá P/E 21,41 lần, cao hơn nhiều so với mức 4,78 lần của SPC và mức 9,45 lần của VFG.

Cổ phiếu tiềm năng hay chiêu “thổi” giá của lái?

Theo phân tích của giới chuyên gia chứng khoán, “cơn say” của cổ phiếu HAI trong vài tuần qua khá lạ. Bởi, theo kế hoạch kinh doanh năm 2017 mà Đại hội cổ đông doanh nghiệp này thông qua hồi tháng cuối tháng 6 vừa qua, trong năm 2017, HAI đặt kế hoạch doanh thu ở mức 1.615 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng. Mức tăng trưởng doanh thu này cũng không biến động nhiều so với năm 2016. Ngoài ra, trong cơ cấu kinh doanh của HAI năm 2016, ngành mang lại doanh thu lớn nhất vẫn là bảo vệ thực vật (chiếm 64,65%) và đây cũng là ngành có ảnh hưởng khá nhiều bởi các yết tố rủi ro, môi trường...

Tuy nhiên, điểm cộng với cổ phiếu HAI là trong năm 2016, HAI đã tái cơ cấu danh mục đầu tư, thoái vốn tại các lĩnh vực kinh doanh ít hiệu quả. Đặc biệt, HAI đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của đối tác tại Công ty TNHH HAI Long An để trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH HAI Long An; tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất thuốc Nông dược HAI tại khu công nghiệp Xuyên Á tỉnh Long An với quy mô vốn đầu tư giai đoạn 1 là 125 tỷ. Nhà máy Nông dược HAI đã được khánh thành và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5.2016.

Trong năm 2017, để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động sản xuất, HAI sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy phân bón, xây dựng tổng kho HAI tại tỉnh Tiền Giang với quy mô vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 80 tỷ đồng.

Rõ ràng, với những cáo bạch như trên, rất khó để cổ phiếu HAI có “cơn say” kéo dài như thế. Về vấn đề này, theo một số nhà đầu tư chứng khoán lướt sóng tại TP.HCM, họ đang trông chờ cổ phiếu HAI có sự tăng trưởng “thần tốc” nhờ yếu tố... FLC.

Cụ thể, một nhà đầu tư tại Q.3 cho biết, trong cơ cấu tỷ lệ sở hữu tại HAI, Tập đoàn FLC đang nắm giữ khoảng 15 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 12,79%) và đang có thông tin bên lề rằng FLC có thể sẽ thâu tóm hoặc nâng tỷ lệ sở hữu. Thế nên với việc nắm giữ được cổ phiếu HAI với giá rẻ như thời gian qua, biết đâu HAI lại có một quá trình tăng trưởng “thần tốc” như với ROS...

Dường như, đây mới là nguyên nhân khiến cổ phiếu HAI tăng tốc và suy luận của giới đầu tư đang dần có hy vọng khi mới đây nhất, Công ty cổ phần Nông Dược HAI đã công bố nghị quyết chấp thuận đề nghị xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Doãn Văn Phương và nghị quyết bầu ông Trần Quang Huy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - làm thành viên HĐQT, tạm thời giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT mới của HAI kể từ ngày 25.7.

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/con-say-co-phieu-nong-duoc-hai-dieu-gi-dang-xay-ra-790853.html