Con rể không được hưởng thừa kế của bố mẹ vợ

(VnMedia) - Theo quy định tại điều 676 Bộ luật dân sự năm 1995, nếu người chết không để lại di chúc thì di sản của họ được chia theo pháp luật. Người con rể sẽ không được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cha mẹ vợ.

Gia đình nhà vợ tôi có 2 người con trai và một người con gái út (hiện là vợ tôi). Vào năm 2000 người con trai thứ 2 bên nhà vợ tôi đã bị ốm nặng và qua đời. Bảy năm sau, tức năm 2007 người con trai đầu bên nhà vợ tôi trong một lần đi chơi không may gặp tai nạn, do bị chấn thương sọ não nên cũng đã qua đời sau khi gặp nạn vài ngày. Sau khi người con trai đầu bên nhà vợ tôi mất, bố mẹ vợ tôi rất đau lòng và thường xuyên ốm đau. Để tiện lợi cho việc chăm sóc ông bà, vợ chồng tôi đã chuyển về nhà bố mẹ vợ sinh sống. Tuy nhiên do tuổi đã nhiều, sức khỏe yếu cộng với việc thường xuyên suy nghĩ và buồn phiền, bố vợ tôi đã qua đời vào năm 2009. Đến đầu năm 2010, mẹ vợ tôi cũng đột ngột ra đi do bị cảm. Mặc dù nhà chỉ còn vợ tôi là con, nhưng trước khi mất bố mẹ vợ tôi đã chưa kịp viết di chúc lại để toàn bộ tài sản cho con. Vậy xin hỏi tôi có được thừa hưởng gia tài mà vợ chồng tôi đang ở không? Rất mong nhận được hồi âm sớm từ tòa soạn. Xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Ngọc Hòe – TP. Thanh Hóa) Câu hỏi trên của bạn đã được chúng tôi gửi đến luật sư của tòa soạn VnMedia và được trả lời như sau: Theo quy định tại điều 676 Bộ luật dân sự năm 1995, nếu người chết không để lại di chúc thì di sản của họ được chia theo pháp luật. Theo đó những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Vì vậy, căn cứ vào những quy định nêu trên thì con rể sẽ không được hưởng thừa kế di sản theo pháp luật khi cha mẹ vợ chết. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 32 Luật Hôn nhân & Gia đình có quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung. Như vậy, sau khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, vợ bạn sẽ vẫn được thừa hưởng một phần tài sản của bố mẹ vợ bạn để lại. Theo quy định của pháp luật đấy sẽ là tài sản chung của cả hai vợ chồng bạn. Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=351&newsid=201450