Con nợ ngân sách

Kho bạc Nhà nước đã công bố phát hành thêm 31.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ cho năm nay khi hạn mức phát hành 250.000 tỉ đồng của năm 2016 đã cán đích vào ngày cuối cùng của tháng 9. Đây là lần thứ hai Kho bạc Nhà nước điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu trong điều kiện mặt bằng lãi suất đã giảm và tiếp tục đứng ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Trên thị trường liên ngân hàng lãi suất qua đêm trong tuần trước có ngày xuống đến 0,287%/năm, lãi suất một tháng 1,5%/năm, ba tháng 3,2%/năm. Với lãi suất này, dù muốn hay không, các ngân hàng sẽ còn phải hạ lãi suất tiết kiệm. Sở dĩ một số ngân hàng chưa thể giảm ngay lãi suất huy động là do huy động từ dân không cần tài sản đảm bảo, còn vay liên ngân hàng giờ đây phải có tài sản thế chấp, chứ không thể vay khơi khơi “cam kết bằng miệng” như vài năm về trước.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tiền vẫn đang được đẩy vào lưu thông với tốc độ cải thiện hơn hẳn cùng kỳ năm ngoái. Đến ngày 20-9-2016 tổng phương tiện thanh toán đã tăng 11,76% so với cuối năm 2015 (mức tăng cùng kỳ 8,88%); vốn huy động của các ngân hàng tăng 12,02% (cùng kỳ 8,9%) trong khi tăng trưởng tín dụng lại thấp hơn cùng kỳ 10,46% so với 10,78%.

Tín dụng còn có thể chậm lại khi mới đây Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấn chỉnh việc cho vay mới trả nợ trước hạn hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn với mục đích để nợ xấu “hiện nguyên hình” một cách rõ ràng hơn. Lách quy định này không hề khó đối với các tổ chức tín dụng về mặt kỹ thuật, nhưng ít nhất nó có tác dụng răn đe và do đó có thể ảnh hưởng phần nào đến số liệu dư nợ cho vay mà các ngân hàng công bố trong vài tháng tới.

Với tốc độ đi lên của tổng phương tiện thanh toán, thanh khoản các ngân hàng đang thừa, lãi suất đang xuống và Kho bạc Nhà nước hai lần điều chỉnh chỉ tiêu phát hành trái phiếu chính phủ, con đường ngân sách vay tiền của dân, của các ngân hàng để chi tiêu đã gián tiếp được hình thành dù các nét vẽ xem ra còn khá đơn giản và sơ sài. Đứng ở góc độ kiểm soát rủi ro, rất khó đánh giá liệu các khoản chi từ ngân sách cho đầu tư công có được thẩm định và quản lý chặt chẽ hơn so với sự thẩm định và quản lý đường đi của đồng vốn cho vay từ phía các ngân hàng. Dẫu sao vay ngân hàng còn có tài sản thế chấp, còn giải ngân vốn cho đầu tư công thì không có gì để đảm bảo cả.

Đầu tư công hiện nay chủ yếu thông qua doanh nghiệp nhà nước nhất là các dự án trọng yếu của quốc gia, mang tính tác động đến chỉ tiêu GDP. Nguồn vốn trái phiếu chính phủ một khi chảy vào đây mà không được kiểm soát đúng mức, không mang lại hiệu quả như mong đợi thì áp lực trả nợ của ngân sách sẽ căng hơn vì trái chủ phần lớn là các ngân hàng.

Trong khi đó, có một con đường khác huy động nội lực của dân cư cho nền kinh tế mà hiện Chính phủ đang bắt đầu nhưng tốc độ khá chậm, đó là cổ phần hóa và bán vốn nhà nước ở các công ty nhà nước không cần nắm quyền chi phối. Lãi suất huy động đã giảm nhẹ và có thể còn giảm tiếp, song vốn huy động của ngân hàng không vì thế mà bớt đi bởi người dân vẫn chưa nhìn thấy sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác ngoài tiết kiệm. Thị trường chứng khoán cần được tiếp sức một cách mạnh mẽ để khai phá kênh huy động vốn cho doanh nghiệp. Muốn thế hàng hóa (cổ phiếu) phải “đẹp”. Đẹp không chỉ vì đấy là cổ phiếu của những doanh nghiệp tầm cỡ, chất lượng tốt nhờ kinh doanh hiệu quả, mà đẹp còn do sức hút từ giá cả. Bất cứ thứ hàng hóa nào lần đầu tiên mang bán trên thị trường đều cần được tiếp thị và khuyến mãi. Việc cổ phần hóa và bán vốn các doanh nghiệp lớn đang được tiếp thị, còn khuyến mãi chưa thấy đâu.

Thay vào đó ở bất cứ doanh nghiệp nào, thời điểm nào cũng thấy toát lên tinh thần phải thoái vốn, bán vốn nhà nước ở mức cao nhất, mang về lợi ích tối đa cho Nhà nước. Tâm lý có thể bán rẻ làm thất thoát tài sản nhà nước khiến cổ phần hóa ngày càng chậm so với nhu cầu cải cách kinh tế. Nhà nước nên đặt mình ở vị trí người mua, nhà đầu tư để dung hòa lợi ích của cả hai phía. Người dân có tiền nhàn rỗi, người dân rất biết tính toán bỏ tiền vào đâu cho an toàn và có lợi hơn cả. Nếu doanh nghiệp kinh doanh ổn định, làm ăn tốt, trả cổ tức 10%/năm, người dân sẵn sàng đầu tư cổ phiếu thay vì gửi tiết kiệm. Doanh nghiệp huy động được vốn qua thị trường chứng khoán, không lo ngay ngáy trả nợ, giảm được chi phí tài chính, lợi nhuận sẽ nhiều, nộp thuế cao hơn. Đấy mới là nguồn thu vững chắc, ổn định lâu dài cho ngân sách. Còn đã đi vay, dù là vay qua phát hành trái phiếu với lãi suất rẻ, vẫn là con nợ và vẫn phải trả nợ. Vậy nên chọn đường nào?

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152285/con-no-ngan-sach.html/