“Cải cách hệ thống thuế để hội nhập”

Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam chia sẻ về xu hướng cải cách hệ thống thuế Việt Nam......

Ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam.

“Tính minh bạch và đơn giản cao là những chỉ tiêu then chốt của một hệ thống thuế có hiệu quả trên thế giới, và Việt Nam đương nhiên cũng không nằm ngoài xu hướng này”.

Đây là chia sẻ của ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc dịch vụ Tư vấn Thuế của Deloitte Việt Nam bình luận về xu hướng cải cách hệ thống thuế theo hướng tăng cường minh bạch hóa và đơn giản thủ tục hành chính thuế mà cơ quan thuế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang triển khai áp dụng.

Theo ông Hoàng, một hệ thống quản lý với tính minh bạch cao, trong đó người nộp thuế dễ dàng tiếp cận những thông tin và hướng dẫn cụ thể và rõ ràng từ cơ quan thuế/hải quan, sẽ giúp nâng cao tính công bằng trong xử lý thuế, từ đó khuyến khích sự tuân thủ một cách tự nguyện, tự giác của người nộp thuế.

Tương tự, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng hướng đến việc tạo điều kiện cho người nộp thuế tự giác tuân thủ quy định tốt hơn.

Về lâu dài, điều này cũng sẽ giúp cho việc quản lý của cơ quan thuế/hải quan ngày càng đơn giản, hiệu quả. Một báo cáo năm 2013 của Ngân hàng Thế giới, qua 8 năm nghiên cứu cho thấy việc đơn giản hóa thủ tục thuế là một biện pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế (thậm chí hiệu quả hơn việc cắt giảm thuế suất).

Ở Việt Nam, trong chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 có nêu rất rõ mục tiêu: “Xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện…”.

Trong 5 năm vừa qua, chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của ngành thuế để cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục kê khai thuế, ví dụ như việc cắt giảm 420 giờ thực hiện thủ tục về thuế.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vẫn còn nhiều việc cần làm đối với hệ thống thuế Việt Nam, để thực sự bắt kịp được với yêu cầu hội nhập kinh tế sâu và rộng sắp tới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư, và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế với đúng tiềm năng của đất nước.

Minh bạch không đơn giản

Theo kinh nghiệm tư vấn thuế của ông, Việt Nam cần làm gì để bắt kịp xu hướng của toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập với nền kinh tế thế giới mà trong đó minh bạch hóa đóng vai trò quyết định trong tiến trình hội nhập?

Việc minh bạch hóa và đơn giản hóa hệ thống thuế không hề đơn giản với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Có một số biện pháp mà ngành thuế Việt Nam có thể xem xét như sau.

Một là: tiếp tục hoàn thiện hơn chính sách thuế, đặc biệt là khung pháp lý. Hiện nay các quy định thuế của Việt Nam nghiêng về hướng quy định cách xử lý cho các trường hợp, nhưng lại thiếu những quy định khung để giải quyết các vướng mắc không có trong quy định.

Ví dụ như định nghĩa về “tiêu dùng tại Việt Nam” đối với thuế giá trị gia tăng cho dịch vụ xuất khẩu - do không có định nghĩa này, ngành thuế phải ban hành hàng trăm công văn hướng dẫn cho từng vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp chưa biết xử lý như thế nào mà không dám hỏi vì sợ câu trả lời sẽ không như ý muốn của mình.

Những vướng mắc này có thể xử lý, nếu có một định nghĩa rõ ràng về “tiêu dùng tại Việt Nam” trong luật.

Hai là: cần nghiên cứu và áp dụng thực tiễn thuế tốt nhất trên thế giới để áp dụng ở Việt Nam. Việc xử lý những vướng mắc, khúc mắc của người nộp thuế cần đảm bảo hợp lý, hợp tình, công bằng, theo đúng đạo lý thuế quốc tế chứ không thể chỉ theo ý chí chủ quan của cơ quan thuế.

Ví dụ như trong nhiều cuộc thanh kiểm tra thuế gần đây, cơ quan thuế ở một số địa phương trong nhiều trường hợp ấn định thu nhập chịu thuế dựa trên những những số liệu thiếu thuyết phục, thiếu căn cứ vững chắc, và người nộp thuế cũng không có cơ hội phản hồi, giải thích.

Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, ngành thuế cần nghiên cứu và phổ biến trong ngành những nguyên tắc, phương án xử lý những giao dịch phức tạp dựa trên thực tiễn thuế quốc tế, ví dụ có thể tham khảo những hướng dẫn của OECD.

Ba là: cơ quan thuế cần tăng cường và thường xuyên trao đổi với người nộp thuế, bổ sung thêm các kênh tuyên truyền, thông báo, trao đổi với người nộp thuế để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người nộp thuế.

Ví dụ, cơ quan thuế có thể xây dựng những cơ sở dữ liệu tập trung và công khai về những thắc mắc thường gặp của người nộp thuế, tổ chức thường xuyên hơn những buổi thảo luận /đối thoại với người nộp thuế, tiếp thu ý kiến đóng góp của các hiệp hội, các chuyên gia tư vấn thuế trong những buổi hội thảo định kỳ về chính sách, nhất là trước khi đưa ra những quy định mới.

Kiến thức và kinh nghiệm

Xin ông chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của các công ty tư vấn thuế ở Việt Nam, đặc biệt trong môi trường thương mại tự do ngày càng phát triển như hiện nay?

Từ khi trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN năm 1995, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước lớn, và năm 2015 đã đánh dấu bước đi lớn trong tiến trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế của các châu lục khác khi hoàn tất ký kết tham gia TPP, EVFTA.

Việc ký kết nhiều hiệp định tự do sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường thế giới một cách thuận lợi hơn khi các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được tạo cơ hội thuận lợi hơn để tiếp cận thị trường nội địa.

Đồng thời, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng được dự kiến sẽ có những bước đột phá ngoạn mục.

Khi tham gia vào các hiệp định, đặc biệt là TPP, Việt Nam sẽ phải cải cách nhiều quy định, cơ sở pháp lý theo yêu cầu của TPP và các FTA. Trong bối cảnh đó, cả doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều cần trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm mới về hệ thống thuế và hải quan, không chỉ của Việt Nam mà của cả rất nhiều quốc gia khác.

Ở mỗi quốc gia, hệ thống văn bản pháp quy về thuế và hải quan dù có thể có những nguyên tắc chung, song vẫn có rất nhiều những điểm khác biệt về chi tiết. Ví dụ yêu cầu về xuất xứ, mẫu biểu kê khai, phương pháp xác định giá thị trường để tính thuế... mỗi nước có những quy định khác nhau.

Với lượng thông tin quá nhiều và phức tạp như vậy, có lẽ ít có doanh nghiệp nào có đủ nguồn lực để có thể nắm vững tất cả những quy định đó.

Trong bối cảnh đó, vai trò của những đơn vị tư vấn thuế có kinh nghiệm hoạt động trên toàn cầu và am hiểu thị trường nội địa như Deloitte sẽ là quan trọng với các doanh nghiệp.

Với kinh nghiệm lâu năm và kiến thức toàn cầu cùng sự am hiểu sâu sắc về luật pháp và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi có thể chia sẻ và tư vấn cho các doanh nghiệp để trước hết đáp ứng được các điều kiện, tuân thủ đúng các yêu cầu, quy định về thuế, tiến tới tận dụng được tối đa những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do đem lại.

Qua việc được tư vấn với nghiệp vụ chuyên môn, được lập kế hoạch hợp lý theo những mô hình cân đối giữa chiến lược kinh doanh và nghĩa vụ tuân thủ thuế, được rà soát và chỉnh lý thường xuyên theo thực tiễn hoạt động và quy định pháp luật, doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh chính của mình mà không phải phân bổ nguồn lực để tìm hiểu những lĩnh vực trên, trong khi vẫn vừa đảm bảo tính tuân thủ cao về thuế, vừa có thể tối đa hóa những lợi ích được hưởng về thuế.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/tai-chinh/con-nhieu-viec-can-lam-voi-he-thong-thue-viet-nam-20160929034320899.htm