Còn nhiều lỗ hổng

Trong những năm qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn là vấn nạn thách thức các cơ quan chức năng. Qua nhiều vụ án, có thể thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Dự án Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em (EVAC) của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam chính thức khởi động ngày 6/1/2017. Theo tổ chức này, mỗi năm ở Việt Nam xảy ra 3.000–4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong số này khoảng 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Trong năm 2011-2015, khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện.

Độ tuổi trung bình của các nạn nhân là 9 tuổi. Gần 74% trẻ trong độ tuổi 2-14 bị cha mẹ, người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; gần 24% phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng họ có hành vi bạo lực với con. Nhiều chuyên gia nhận định số vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận tại Việt Nam trong những năm qua thực tế chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Thậm chí, con số các vụ án mỗi năm thực chất chỉ là những vụ việc được báo cáo. Rất nhiều vụ bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hay vì lý do khác mà không báo cáo…

Pháp luật Việt Nam quy định các hình phạt đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em khá nghiêm khắc nhưng số vụ án năm sau vẫn tăng hơn năm trước với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Theo luật sư Trịnh Nam Ninh (VPLS Quốc Thái): Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu một điều khoản nào. Những hình phạt mà Việt Nam áp dụng đối với tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em tương đối nghiêm khắc (trừ tội dâm ô trẻ em thì hình phạt thấp nhất là từ 6 tháng đến 3 năm tù). Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên, so với các nước, hình phạt bổ sung của Việt Nam chỉ là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm thì chưa mang tính ràng buộc bằng các nước. Ở nước Mỹ, đối tượng phạm tội này khi chấp hành hình phạt tù thường phải giam giữ riêng với các phạm nhân khác vì phạm nhân rất ghét tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em và có thể dẫn đến xô xát, xung đột. Sau khi thi hành án xong, phạm nhân xâm hại tình dục trẻ em ở Mỹ còn bị gắn chíp theo dõi và phải tránh xa trẻ em; bị ghi danh suốt đời trong hồ sơ tấn công tình dục...

Theo bà Thân Thu Hà, Giám đốc điều hành các chương trình của Tầm nhìn Thế giới Việt Nam, các bậc cha mẹ cần trang bị cho con ở mức tốt nhất về giáo dục giới tính để có thể bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm cũng như biết yêu thương, trân trọng cơ thể mình. Hàng loạt vụ bạo lực học đường, buôn bán, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra thời gian qua đã dấy lên hồi chuông báo động trước sự thờ ơ của cộng đồng, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý.

Ở một khía cạnh khác, theo một chuyên gia tâm lý: Lỗ hổng đầu tiên trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại tình dục chính là nằm ở kiến thức của cha, mẹ và chính các em bé. Bản thân cha mẹ không nhận thức được các trường hợp nguy cơ cao trẻ bị xâm hại. Trong khi đó, các em không được nhà trường và gia đình trang bị kiến thức để có thể tự bảo vệ mình. Ngoài ra, các quy định trong hệ thống luật pháp không thực sự rõ ràng để xử lý các hành vi nói trên. Cụ thể tại Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định những hành vi như nhìn, ngắm, vuốt ve, ôm ấp… là hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Đây là một lỗ hỗng lớn, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần khắc phục sớm, mới mong có thể ngăn chặn, giảm thiểu tới mức tối đa số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, hành vi xâm hại tình dục trẻ em của các đối tượng phạm tội không phải là một dạng bệnh lý, mà nó mang tính bản năng. Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là dụ dỗ cho quà, cho tiền… Sau khi thõa mãn thú tính, những kẻ này quay ra đe dọa nạn nhân. Hậu quả của những vụ xâm phạm tình dục trẻ em rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ, sống mặc cảm, không muốn để ai biết. Không chỉ các nạn nhân có trạng thái tâm lý kể trên, mà khi gia đình người thân biết chuyện, nhiều trường hợp cũng vì lo sợ cho tương lai của con mình, danh dự gia đình bị tổn hại nên dàn xếp nội bộ với những đối tượng có hành vi phạm tội…

Thực trạng trẻ em bị xâm hại vẫn đang là nỗi lo của toàn xã hội, thiết nghĩ không chỉ cơ quan chức năng, cộng đồng xã hội mà ngay cả chính các bậc phụ huynh cũng cần có nhận thức về các biện pháp bảo vệ trẻ em trước hành vi bạo lực tình dục.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/con-nhieu-lo-hong-49206.html