Còn nhiều con đường vào đại học

Ngày 26.8, trong buổi tư vấn trực tuyến truyền hình của Báo Thanh Niên, các chuyên gia đã tư vấn cho thí sinh nhiều con đường có thể học ĐH, CĐ mà không nhất thiết phải theo con đường xét tuyển kết quả kỳ thi “3 chung” truyền thống.

Năm nay, việc xét tuyển sinh riêng từ học bạ THPT ở các trường ĐH, CĐ rất sôi động với nhiều điều kiện về mức điểm trung bình. Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết năm nay trường dành 30% chỉ tiêu cho hình thức này, với điều kiện số điểm trung bình của 3 môn thuộc khối xét tuyển phải từ 6 điểm trở lên, và chỉ xét tuyển bậc ĐH. Trường xét tuyển với hình thức này ở các khối A, A1, D1, do đó thí sinh nên xem điểm học bạ của mình thuộc khối nào cao hơn thì lấy điểm khối đó để xét tuyển, như vậy cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.

Bà Trần Thanh Hằng, Phó trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, cho biết trường thực hiện hình thức tuyển sinh riêng, bằng cách xét học bạ, chỉ xét lớp 12, với điểm trung bình 3 môn tương ứng khối thi từ 5 trở lên. Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết trường dành 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng với điểm trung bình các môn thuộc khối xét tuyển trong 3 năm THPT đạt 6 (bậc ĐH) và 5,5 (bậc CĐ). Ngoài ra, trường có tổ chức liên thông đối với người tốt nghiệp trung cấp hoặc CĐ từ 36 tháng trở lên thì có thể thi trực tiếp tại trường, hiện còn đợt 2 từ ngày 20 - 21.12.

Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc tuyển sinh và hoạch định nghề nghiệp, Viện Đào tạo quốc tế (NIIE) Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết trường xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng 5 ngành ĐH và 7 ngành CĐ với 2 tiêu chí: điểm trung bình các môn thuộc khối xét tuyển trong 3 năm THPT đạt 6 (bậc ĐH) và 5,5 (bậc CĐ); điểm thi tốt nghiệp THPT là 24 điểm (bậc ĐH) và 22 điểm (bậc CĐ).

Thí sinh vẫn có những cách khác theo đuổi ước mơ vào ĐH ở những trường công lập không xét tuyển nguyện vọng bổ sung bậc ĐH. Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trường đang xét tuyển chương trình ĐH hợp tác quốc tế của Trường ĐH Ngân hàng với Trường ĐH Bolton (Anh). Chương trình liên kết quốc tế này đào tạo ngành kế toán và quản trị kinh doanh.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân, Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin chương trình liên kết đào tạo quốc tế, trường xây dựng từ năm 2008 với các trường CĐ, ĐH tại Anh. Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế đều được Bộ GD-ĐT cấp phép và được kiểm định chất lượng từ Anh. Sau khi học 3 năm tại VN, sinh viên có bằng CĐ quốc gia Anh và có thể chọn học ĐH tại Anh hoặc ở 130 quốc gia khác.

Thông tin chi tiết tại: www.thanhnien.com.vn

Đăng Nguyên

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140826/con-nhieu-con-duong-vao-dai-hoc.aspx