Còn nhiều bất cập trong bồi thường thiệt hại do sự cố Formosa

Làm việc với đoàn công tác liên bộ, đại diện các cơ quan ban ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phản ánh nhiều bất cập trong việc thống kê, bồi thường thiệt hại cho ngư dân do sự cố môi trường biển.

Chiều nay (14.10), đoàn công tác liên bộ các Bộ NNPTNT, Tài chính, Công Thương, Y tế… đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế và các sở ngành, địa phương của tỉnh này về công tác hỗ trợ, bồi thường thiệt hại đối với ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển ở tỉnh.

Tại buổi làm việc, đại diện nhiều cơ quan ban ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phản ánh nhiều bất cập trong việc triển khai thống kê, bồi thường thiệt hại cho ngư dân. Đó là việc kê khai, thống kê đối tượng kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại có nhiều khó khăn. Như ở huyện Phú Vang của tỉnh, có rất nhiều nhà hàng ăn uống ven biển phục vụ du khách, do sự cố môi trường biển đã bị ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh. Những cơ sở này phải chịu tiền thuê mặt bằng khá cao, nhưng theo công văn hướng dẫn của Bộ NNPTNT không được kê khai, nên gặp rất nhiều khó khăn.

Đoàn công tác liên bộ làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế và các sở ngành của tỉnh này chiều 14.10. Ảnh: An Sơn.

Về định mức bồi thường thiệt hại, nhiều đại diện của tỉnh cho biết, tại mục 4, phần 3 phụ lục định mức bồi thường kèm theo quyết định 1880/QĐ-TTg, đơn giá sản xuất, ương dưỡng giống không quy định cụ thể giá bán tôm gì (tôm chân trắng, tôm sú, tôm rảo…). Ngoài ra, hiện vẫn chưa có định mức một số đối tượng như người nuôi tôm chân trắng trên cát; ương dưỡng giống cá lợ mặn, giống cua, giống tôm rảo; ương dưỡng cá lợ mặn trong lồng.

Theo ông Hồ Sỹ Nguyên - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, đối tượng khai thác thủy sản đại trà tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai của tỉnh gồm khoảng 6.000 tàu thuyền không lắp máy và lắp máy công suất nhỏ, với 10.000 lao động hiện vẫn chưa thuộc diện được hỗ trợ, bồi thường thiệt hại. Nguyên nhân là do phương pháp tính toán thiệt hại tại phụ lục 2, công văn 6851 của Bộ NNPTNT chỉ phù hợp với thiệt hại ngừng sản xuất, mất an toàn sản lượng, nhưng bản chất thiệt hại của nhóm khai thác thủy sản đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là thiệt hại về giá, tương tự thiệt hại của tàu xa bờ từ 90CV trở lên. Vì vậy, ông Nguyên cho rằng, phương pháp tính đúng thiệt hại của nhóm đối đối tượng này cần phải như phương pháp xác định thiệt hại trên tàu cá xa bờ tại phụ lục II, công văn 7433 /BNN-TCTS mới phù hợp.

Ngoài ra, ông Nguyên còn chỉ ra nhiều bất cập khác trong việc kê khai, bồi thường thiệt hại cho ngư dân như: Một số đối tượng có quy định kê khai trong công văn hướng dẫn của Bộ NNPTNT nhưng chưa có trong quy định đối tượng tại Quyết định 1880/QĐ-TTg của Chính phủ. Đó là các cơ sở chế biến vùng cửa sông, đầm phá; lao động trong các cơ sở kinh doanh ven biển; chủ các cơ sở thu mua tạm trữ….

Lãnh đạo nhiều huyện ở tỉnh Thừa Thiên- Huế thì phản ánh tình trạng thủy sản của người dân nuôi trồng trên đầm phá Tam Giang- Cầu Hai bị rớt giá trầm trọng sau vụ Formosa xả thải. Hiện rất nhiều thủy sản của người dân nơi đây rất khó tiêu thụ mặc dù đã quá thời kỳ thu hoạch, trong khi ngư dân thuộc diện này không thuộc đối tượng được hỗ trợ, bồi thường thiệt hại nên cuộc sống hết sức khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, đoàn công tác liên bộ tiếp thu những phản ánh, kiến nghị này của phía tỉnh Thừa Thiên- Huế và sẽ báo cáo để cấp trên xem xét. Ông Oai cũng đề nghị chính quyền tỉnh cần thành lập tổ công tác để giám sát chặt chẽ việc chi trả đền bù cho người dân nhằm tránh xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người như ở một số tỉnh khác.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/con-nhieu-bat-cap-trong-boi-thuong-thiet-hai-do-su-co-formosa-715554.html