Con kênh đa lợi ích

Kênh Tuần Thống – T5 (từ năm 2014 được đổi thành kênh Võ Văn Kiệt) đi qua địa bàn tỉnh An Giang và Kiên Giang là kênh chiến lược tháo chua, rửa phèn và tháo lũ ở vùng TGLX.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị) kể: Năm 1991, trong khi ở nhiều địa phương đã khai hoang xong thì ở cuối phần đất An Giang giáp ranh với Kiên Giang vẫn là “túi phèn” nằm giữa TGLX. Trong lúc này, nhiều tuyến kênh cấp 2 nơi đây cũng ngừng triển khai do thiếu kinh phí.

Kênh Võ Văn Kiệt - tuyến kênh quan trọng dẫn nước ngọt cho vùng TGLX. Ảnh: Huỳnh Xây

Trước những khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt đã không ngại khó, cùng với nhiều cán bộ ở An Giang đã nhiều lần xắn quần đi khảo sát những cánh đồng “dậy phèn”, toàn rừng tràm, cỏ lác... Sau nhiều lần khảo sát thực tế, trao đổi, lắng nghe và tổng hợp ý kiến của nhiều người, Thủ tướng đã ra quyết định khẩn trương làm tuyến kênh Tuần Thống - T5.

Tuyến kênh có chiều dài 48km, rộng 30-36m và sâu 3m, thông kênh Vĩnh Tế ở Tri Tôn, An Giang, chảy qua Hòn Đất, Kiên Giang rồi đổ ra vịnh Thái Lan được khởi công đầu năm 1997 nhưng đến cuối năm đã hoàn thành.

Theo ông Bảy Nhị: “Ngoài khai thác vùng đất hoang hóa để phát triển nông nghiệp, đây là con kênh trục chính trong hệ thống các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây, đồng thời giúp thoát nhanh nước lũ từ Campuchia tràn về vùng TGLX”.

Ghi nhận của phóng viên NTNN/Dân Việt tại xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) - nơi đầu nguồn kênh Võ Văn Kiệt, nhiều nhà cửa mọc lên khang trang, nhiều diện tích lúa, vườn cây và hoa màu xanh tốt. Lão nông Trần Văn Chín ngụ xã Lạc Quới vui vẻ: “Trước đây, đất ở đây có trồng được cây gì đâu. Vậy mà giờ đây, nhiều người dân ở các nơi lại tập trung về mua đất cất nhà rồi tăng gia sản xuất nhộn nhịp hẳn lên. Riêng cây lúa, phần lớn diện tích đã sản xuất theo mô hình “3 giảm-3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” và đã có thể có thể làm 2-3 vụ. Riêng tôi làm 1,5ha, trung bình mỗi vụ đạt năng suất từ 11 -­ 13 tấn”.

Phóng viên đi dọc theo con kênh Ông Kiệt từ xã Lạc Quới đến huyện Kiên Lương (Kiên Giang) và thấy diện tích đất nơi đây đã được tận dụng khai thác và đang mang lại hiệu quả. Điển hình như ông Lê Văn Huỳnh (xã Lạc Quới) có 20ha đất, trong đó hơn 10ha là trồng lúa, hơn 4ha trồng màu và 5ha trồng cỏ chăn nuôi bò. Ông Nguyễn Lợi Đức (xã Lạc Quới) cho biết, ông đang dự định chuyển toàn bộ diện tích 200ha lúa và màu sang trồng bắp và cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn nhằm phát triển trang trại bò. Cũng theo ông Đức, do có hệ thống kênh nội đồng nối trục kênh Võ Văn Kiệt nên đất đã tốt lên, trồng cây gì cũng có hiệu quả. Vì vậy mà cuộc sống gia đình ông luôn thuận lợi. Nơi đây đang hình thành các trang trại chăn nuôi có quy mô.

Theo Sở NNPTNT các tỉnh vùng TGLX, kênh Võ Văn Kiệt cùng các kênh khác đã dẫn nước ngọt từ sông Hậu vào sâu vùng TGLX, thay vì chỉ vào được khoảng 5km và bị đổ ngược ra khi có điều kiện. Nó giúp phủ ngọt toàn cánh đồng TGLX gần 500.000ha, biến những diện tích này thành đất sản xuất màu mỡ.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/con-kenh-da-loi-ich-697263.html