Con hư… tại bố!

Một đứa trẻ có bố nhưng không được bố quan tâm đầy đủ, nếu là con trai chúng sẽ rất dễ gặp các vấn đề về đạo đức khi trưởng thành. Nếu là con gái, chúng dễ mắc phải những rắc rối về tâm lý, đặc biệt là trong quan hệ với người khác giới.

Một người cha bê tha rượu chè hoặc bạo lực thì đứa con rất dễ trở nên hung hăng, hoặc ở một thái cực ngược lại là tự ti, yếu đuối và dễ bị bắt nạt.

Theo các chuyên gia, một đứa trẻ có phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần hay không thì phần nhiều phụ thuộc vào gia đình, cụ thể là ảnh hưởng trực tiếp từ cha và mẹ của mình.

Có một thời chúng ta thường quan niệm “con hư tại mẹ”, coi việc nuôi dạy con cái thuộc về chức phận của người mẹ. Tuy nhiên trên thực tế, người cha có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển nhân cách của đứa con.

Nghiên cứu tại Đại học Maryland School do GS.TS Maureen Black thực hiện đã chứng minh những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ sẽ phát triển tốt hơn về mặt tư duy và khả năng ngôn ngữ cũng như các mối quan hệ xã hội. Trong khi đó, những đứa trẻ khuyết cha hoặc phải sống xa cha thường có xu hướng ngược lại, khả năng tư duy và ngôn ngữ cũng như sự phát triển các mối quan hệ xã hội và giao tiếp sẽ kém hơn.

Các nghiên cứu của các nhà tâm lý học cho thấy sự vắng mặt kéo dài của người cha dù cho khách quan hay chủ quan đều ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Nhiều trẻ bám vào mẹ, trẻ trai nguy cơ thiếu nam tính, những đứa trẻ gái lại tự đồng nhất mình với mẹ, trở nên người có nam tính. Những đứa trẻ trai không có bố để nuôi dưỡng quyền lực của đàn ông, trẻ gái không có bố để bầy tỏ nữ tính của mình. Trẻ thiếu bố kém thích ứng xã hội, nhiều trường hợp không duy trì được tổ ấm gia đình khi đã trưởng thành.

Đây là những trường hợp được gần cha nhưng không có được thừa hưởng sự “uy quyền” của cha. Ảnh minh họa

Vắng cha dễ làm tăng khả năng trẻ có hành vi lệch lạc. Một nghiên cứu cho thấy con cái của những người cha đi xa nhà một thời gian dài trong chiến tranh thế giới thứ 2 (1939 – 1945) có chỉ số IQ thấp hơn và cũng kém hiểu biết hơn.

Nói cách khác, kiến thức sách vở của họ nghèo nàn hơn và khả năng phán đoán về mặt xúc cảm cũng kém hơn. Cũng theo một thống kê nước ngoài thì 95% trẻ vị thành niên phạm pháp trong thành phố Boston “không có cha” và đó là nguyên nhân cơ bản dẫn chúng đến chỗ phạm tội.

Đối với những trường hợp có cha hoặc cha ở nhà thường xuyên nhưng lại thiếu sự quan tâm yêu thương cũng gây nên những sự khủng hoảng rất lớn trong quá trình phát triển về mặt nhân cách của trẻ. Đó là những trường hợp người cha có mặt trong gia đình, nhưng khi ở nhà lại quá sa đà vào những công việc mình yêu thích như sưu tập, đọc sách, nghe đài… mà không hề quan tâm đến con cái và những vấn đề của chúng. Hoặc do quá bận công việc nên nhiều khi về nhà là có tâm lý mệt mỏi, hay cáu kỉnh, đe nẹt các con để khỏi bị quấy rầy.

Những ông bố có mặt nhưng không làm tròn trách nhiệm của mình hoặc là vắng mặt sẽ làm phát triển không đầy đủ ổn định về mặt nhân cách của trẻ. Đây là những trường hợp được gần cha nhưng không có được thừa hưởng sự “uy quyền” của cha.

Thiếu uy quyền, trẻ sẽ mất những cái ”phanh hãm” khi cần, thiếu sự kìm chế cho các phản ứng, trẻ thiếu hành vi bắt chước, hay về trễ, mượn những thần tượng bên ngoài gia đình để thay thế, trẻ tin ở sách báo, phim ảnh để tìm ra giá trị của mình.

Những đứa trẻ có cha nhưng không nhận được sự quan tâm đầy đủ của cha, chúng thường có tính cách thiếu cương quyết, cư xử do dự, lưỡng lự, không có sự nhiệt tình trước những điều nó thích thú, say mê thất thường, ý thức về đạo đức nghèo nàn, không năng động. Tư tưởng bất an, lo âu mà trẻ không ý thức điều đó. Như vậy, sự vắng cha ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ và ảnh hưởng này mạnh lớn ở trẻ trai so với trẻ gái.

Theo các chuyên gia, những đứa trẻ được cha dành cho tình yêu thương cũng như sự quan tâm chăm sóc thường xuyên sẽ có xu hướng học giỏi hơn những đứa trẻ khác. Nghiên cứu cũng cho biết thêm, không nhất thiết phải là cha ruột mà cha dượng, cha nuôi hoặc thậm chí là một người đàn ông trưởng thành trong gia đình cũng có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, cha còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các bé trai. Một nghiên cứu được thực hiện tại trường Đại học Oxford chứng minh những bé trai nhận được tình yêu thương và quan tâm chăm sóc đặc biệt từ người cha chúng thường ít gặp các rắc rối về mặt đạo đức khi trưởng thành.

Nếu được bố quan tâm chăm sóc, bé gái khi lớn lên sẽ ít phải đối mặt với những rắc rối về mặt tâm lý. Ảnh minh họa

Ngoài ra, cha còn là tấm gương để con trai noi theo, giúp trẻ nhận thức được bản thân và làm chủ cảm xúc của mình tốt hơn.

Mối quan hệ giữa cha và con gái nếu được xây dựng tốt sẽ giúp trẻ có những bước phát triển về nhân cách và tư duy tốt. Cụ thể, một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Vanderbilt chứng minh những bé gái được sống trong gia đình được cha chăm sóc, yêu thương lớn lên chúng sẽ ít phải đối mặt với những rắc rối về mặt tâm lý, và luôn cảm thấy được che chở, an toàn - bình yên.

Theo đó khi trưởng thành các bé gái có xu hướng tìm người bạn đời có những tính cách giống người cha của mình. Ngược lại nếu người cha luôn ngược đãi, thiếu quan tâm thì khi lớn lên chúng thường có tâm lý sợ kết hôn. Những lời khen tích cực từ cha sẽ giúp các bé gái lớn lên trở thành một người phụ nữ tự tin và sống độc lập hơn.

Ngân Khánh (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/con-hu-tai-bo-20161119022623437.htm