Con đường hội nhập điện ảnh

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4 - HANIFF 2016 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 4-11-2016. Với khoảng 550 phim đăng ký tham dự đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, rõ ràng HANIFF đã được mở rộng về qui mô. Thế nhưng, tầm vóc của HANIFF ra sao, còn phải trông chờ vào nội lực của nước chủ nhà.

Trong tất cả các loại hình nghệ thuật, điện ảnh luôn được xem như một mũi nhọn xung kích để hội nhập. Nếu biết khai thác đề tài và có tìm tòi sáng tạo, thì mỗi tác phẩm hiện diện trên màn ảnh có khả năng đại diện cho một nền văn hóa, cho một bản sắc dân tộc.

Điện ảnh nước ta còn non trẻ. Vì vậy, những dịp như HANIFF chính là cơ hội tốt nhất để giao lưu và học hỏi với bạn bè năm châu. Đặc biệt, về công nghệ chế tác và qui trình sản xuất thì Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa nếu so sánh với Mỹ, Pháp hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu xác định liên hoan phim quốc tế để quảng bá hình ảnh Việt Nam thì e hơi khập khiễng. Điều quan trọng nhất của mỗi liên hoan phim quốc tế là giúp những người làm nghề trong nước được dịp đánh giá lại trình độ của mình một cách nghiêm túc nhất, cầu thị nhất.

Trong những ngày diễn ra HANIFF, chắc chắn những địa chỉ như Trung tâm chiếu phim quốc gia, rạp Kim Đồng, rạp Tháng Tám, rạp Ngọc Khánh, cụm rạp CGV Nguyễn Chí Thanh... sẽ nườm nượp người xem miễn phí. Đó là quà tặng dành cho khán giả. Còn quà tặng dành cho giới làm phim nước nhà chính là những hoạt động thiết thực như chợ dự án phim, hoặc hội thảo “Hợp tác sản xuất phim trong các nước ASEAN”. Ở đó, chúng ta sẽ tìm ra lối đi mới cho nền điện ảnh đang còn nhiều bất cập hiện nay.

Thông thường các liên hoan phim ở nước ta luôn nặng tính lễ nghi và hình thức. Muốn vực dậy điện ảnh Việt Nam, phải chú trọng thực chất hơn. Ngay cả cái khẩu hiệu “Điện ảnh - Hội nhập và phát triển bền vững” của HANIFF cũng đã không ổn. Có những ngôn từ chỉ đúng với khẩu hiệu chính trị chứ không đúng với khẩu hiệu nghệ thuật. Điện ảnh thì không thể có khái niệm “bền vững”. Nghệ thuật chấp nhận hàng trăm thử nghiệm khác nhau, thậm chí hàng ngàn thất bại để có tác phẩm đỉnh cao. Điện ảnh không phải thứ sản xuất hàng loạt theo một mô hình nhất định. Đừng vì những khẩu hiệu nhiệt tình mà làm ảnh hưởng đến đẳng cấp của liên hoan phim quốc tế. Ngắn gọn và súc tích “Điện ảnh – Hội nhập và phát triển” là vừa đủ một khẩu hiệu đẹp đẽ và trang trọng!

Đã có kinh nghiệm tổ chức 3 lần trước, HANIFF 2016 đang chứng minh nỗ lực mới của những người tâm huyết với điện ảnh ở nước ta. Thế nhưng, một sân chơi tạo ra mà chủ nhà không có đại diện xuất sắc tham dự, thì sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy dở khóc dở cười. Đầu tư cho liên hoan phim quốc tế, chỉ là một thái độ tích cực thôi, còn đòn bẩy cho nền điện ảnh phải đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực làm phim!

LTN

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/con-duong-hoi-nhap-dien-anh.aspx