Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Trong lời tựa cuốn sách “Hồ Chí Minh: Những bài viết và nói chọn lọc” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Mátxcơva, năm 1959, Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm đặc biệt quan trọng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1. Luận điểm này không phải đến năm 1959 mới được hình thành trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà hình thành từ rất sớm, khi Người nắm được “ngọn đuốc lý luận Mác – Lênin và kinh nghiệm cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường cách mạng Việt Nam”2. Nội dung luận điểm đã khẳng định rõ ràng: Con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất đúng - con đường cách mạng vô sản - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập, trong Chánh cương vắn tắt (1930) của Đảng do Người soạn thảo đã chỉ rõ 2 giai đoạn của cách mạng Việt Nam: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”3. Hai giai đoạn ấy không có bức tường ngăn cách, mà gắn bó chặt chẽ với nhau: Độc lập dân tộc là điều kiện tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là con đường bảo vệ và phát triển thành quả của độc lập dân tộc. Trong quá trình tìm đường cứu nước, vừa hoạt động thực tiễn, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã hiểu rằng: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”4, cho nên “Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”5. Con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quy luật phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam, đây là điểm khác biệt căn bản giữa con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh so với các con đường giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX ở nước ta theo tư tưởng phong kiến và tư sản. Để cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đi đến thắng lợi hoàn toàn, điều kiện tiên quyết, theo Hồ Chí Minh là phải có một Đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin lãnh đạo; đồng thời, phải dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy liên minh công - nông làm nòng cốt; phải kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sự giúp đỡ của quốc tế, trong đó sức mạnh của dân tộc là nhân tố quyết định. Đi theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội do lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vạch ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á; tiếp đến là đánh thắng 2 tên đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành độc lập, tự do cho dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới và khẳng định ngay từ đầu đổi mới không phải là sự từ bỏ mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà để thực hiện những bước đi đúng quy luật nhằm tiến tới các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội một cách bền vững. Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”6, và “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”7. Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng “là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân lao động làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”8. Những đặc trưng cơ bản về xã hội xã hội chủ nghĩa được xác định trên đây trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) là sự vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất, đặc trưng của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới. Đồng thời, cũng khẳng định sự kiên định của Đảng ta và nhân dân ta về con đường cách mạng Việt Nam mà Người đã lựa chọn và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện thắng lợi con đường đó. 1 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 9, tr. 314. 2 - Sđd, tập 9, tr. 314. 3 - Sđd, tập 3, tr.1. 4 - Sđd, tập 10, tr. 128. 5 - Sđd, tập 12, tr. 305 6 - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 70 7 - Sđd, tr. 186 8 - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 70. Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Thế

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/chinh-tri/con-duong-cuu-nuoc-va-giai-phong-dan-toc-cua-ho-chi-minh-voi-su-nghiep-doi-moi-o-viet-nam-hien-nay/42700.051.html