Con dâu khốn cùng không bỏ mẹ chồng mù lòa

- Buổi trưa, tôi đang tránh cái nắng gay gắt trong một quán cà phê vỉa hè được một người phụ nữ đứng tuổi mời mua vé số. Nhìn gương mặt nhăn nhó vì đau đớn của chị khi lê từng bước chân nặng nhọc tôi mới để ý bàn chân chị đang sưng rất to. Tôi hỏi chị vì sao chân bị như thế mà không nghỉ ngơi, chị trả lời như sắp khóc: Nếu chị không đi bán thì mẹ chồng, con trai và cháu ngoại chị sẽ đói mất.

TIN BÀI KHÁC:

Sau một hồi vòng vo tìm kiếm, tôi cũng tới được căn phòng trọ tồi tàn (133A/6 ấp 1, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) rộng chừng 8m2 nằm sâu hút cuối con hẻm nhỏ là nơi cư ngụ của bốn con người: Một bà lão mù lòa tuổi đã 80, một cậu con trai 14 tuổi vừa bỏ học hai tháng nay để bắt đầu một cuộc đời mưu sinh, một em bé 5 tuổi lấm lem bị mẹ ruột bỏ rơi và một người phụ nữ tuổi ngoài 50 nhiều bệnh tật lúc nào cũng lo âu vì gánh nặng cơm áo.

4 miệng ăn trông chờ vào tiền bán vé số của chị Hoa

Người phụ nữ ấy tên Trần Thị Hoa (SN 1958). Công việc mỗi ngày của chị luôn bắt đầu từ lúc 12 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), chị trở về lo bữa ăn cho 3 thành viên trong nhà và được ngả lưng đến 9 giờ sáng lại tiếp tục hành trình rong ruổi khắp các con phố bán vé số đến 5 giờ chiều, kết thúc một ngày lao động của chị. Cậu con trai của chị vì thương mẹ bệnh tật, đã bỏ học theo những người trong xóm trọ đi rửa củ cải (từ 8 giờ tối – 6 giờ sáng) đỡ đần cho mẹ, dù học lực của cậu rất khá.

Chị kể cuộc đời chị là một chuỗi thất bại, thất bại trong vai trò làm mẹ và thất bại trong hôn nhân. Chị có hai đứa con, nhưng bây giờ xem như chỉ còn một. Vì cuộc sống quá nghèo khổ, chị suốt ngày rong ruổi bán vé số không có thời gian dạy dỗ con, nên cô con gái lớn của chị đã phải làm mẹ ở tuổi 15.

Tuổi đời còn quá trẻ cô bé chưa ý thức được trách nhiệm làm mẹ nên sau khi sinh con, cô bé giao cho mẹ nuôi và bỏ đi biệt tích từ đó đến giờ. Người chồng đầu ấp tay gối với chị hơn 20 năm cũng bỏ đi theo người đàn bà khác 3 năm nay, không trợ cấp nuôi dưỡng mẹ già, con nhỏ.

Nhắc đến mẹ chồng chị kể dưới quê vẫn còn một người em chồng nhưng gia cảnh nghèo túng cũng không thua gì chị. Thương mẹ chồng chị không nỡ xa bà vì bà đã sống với chị hơn 20 năm nay, tình cảm mẹ con cũng rất gắn bó. Bà lão tuy đã lẫn nhưng trong trí bà chỉ nhớ mỗi con dâu, ngày nào bà cũng ngồi trước cửa chờ chị về mới thôi. Vì lẽ đó chị luôn giữ đạo dâu con, gắng gượng chăm sóc mẹ chồng cho đến chừng nào không còn sức nữa thì thôi.

Tôi thấy nỗi tuyệt vọng hiện rõ trong từng lời chị kể: Chị mắc bệnh gan đã 5 năm nay, thở rất khó nhọc và thường xuyên mệt mỏi như bị bệnh cúm. Không có tiền mua thuốc nên chị vào chùa xin thuốc nam uống, chỉ cần ngưng uống thuốc vài ngày là mệt không thở nổi. Đã vậy chị lại bị đau khớp, công việc phải đi nhiều nên chân của chị thường xuyên bị sưng tấy.

Từ An Giang lên TP.HCM mưu sinh, “tài sản” chị mang theo là sổ hộ khẩu gia đình và sổ nghèo nhưng cách đây 1 năm con trai bị bệnh không có tiền mua thuốc chị đã cầm sổ hộ khẩu cho chủ đại lý vé số lấy tiền chữa chạy cho con. Đến nay, chị vẫn không có tiền để chuộc ra.

Tôi hỏi thăm về người thân của chị như thể đã chạm vào nỗi đau lớn nhất của chị, chị nói trong nước mắt: “Chị còn mẹ già năm nay đã ngoài 80 nhưng 5 năm nay chị chưa về thăm mẹ được. Chị thấy mình bất hiếu lắm nhưng tiền ăn phải chạy từng bữa tiền đâu về quê thăm mẹ bây giờ. Mẹ chị sức đã yếu, sống nay chết mai, chị sợ không thể nhìn thấy mẹ lần cuối”.

“Mỗi ngày bán vé số chị đều để lại một tờ với hy vọng một ngày ông trời thương cho chị trúng số để có tiền về quê thăm mẹ, chị sẽ cho con trai tiếp tục học lại và chữa bệnh cho mình để chăm lo cho mẹ già, cháu dại. Bây giờ chị mà nằm xuống không biết mẹ chồng chị, con chị và cháu ngoại nương tựa vào ai”. Nói đến đây chị ôm mặt khóc nức nở, bà lão không biết có hiểu được nỗi lòng con dâu hay không bỗng đưa tay quờ quạng tìm chị, rồi ôm con dâu vào lòng vỗ về như chị là một đứa trẻ đang cần mẹ chở che.

Hy vọng của cả gia đình này đang được đặt vào một tờ vé số, nghe chua xót, mong manh và cơ hội cũng còn xa vời lắm…

Có lẽ chỉ có những nhịp cầu nhân ái, tấm lòng nhân hậu thì may ra mới có thể đưa họ ra khỏi nỗi tuyệt vọng trong cùng cực. Xin đừng quên những con người tội nghiệp này.

Gia Minh

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp chị Trần Thị Hoa (ấp Phú Hòa Đông, tổ 1, xã Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) ĐT: 01652543687.Chị Hoa hiện đang tạm trú tại 133A/6 ấp 1 xã An Phú Tây, Huyện Bình Chánh, TP HCM.

2. Hoặc Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ chị Trần Thị Hoa ở An Giang)

Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:
- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
-
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
-
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/65695/con-dau-khon-cung-khong-bo-me-chong-mu-loa.html