Côn Đảo

Trong số các vườn quốc gia của đất nước, Côn Đảo được xem là đặc sắc bậc nhất. Không chỉ vì đây là nơi từng khét tiếng là địa ngục trần gian khi thực dân Pháp dựng lên một hệ thống nhà tù vô cùng dã man; cũng không phải ở đây có những khu nghĩa địa mênh mông..., mà còn là một Vườn quốc gia đa dạng sinh học ở mức cao.

1. Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bao gồm một phần diện tích đảo và khu vực biển lân cận. Vườn được thành lập từ năm 1993. Hòn đảo vốn chơi vơi giữa trời và nước, cách đất liền 200km đường chim bay từng có những thời gian dài vắng vẻ đìu hiu, luôn gợi lên quá khứ bi thương bởi những chuồng bò, chuồng cọp, nơi rất nhiều chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước bị giặc giam cầm hành hạ và giết chết. Tới Côn Đảo hôm nay, vào thăm Nghĩa trang Hàng Dương, không ai không xúc động trước hàng chục ngàn nấm mộ. Ở nơi địa ngục trần gian này, chị Võ Thị Sáu đã bị quân thù sát hại khi chưa tròn 18 tuổi.

Hôm nay, Côn Đảo đã hồi sinh với những con đường phẳng phiu, hai bên cây cối xanh tốt. Côn Đảo đã trở thành điểm du lịch lý tưởng cho tất cả mọi người. Đến với Côn Đảo không chỉ để hồi tưởng, đắm mình vào quá khứ, vào thiên nhiên thanh thản, mà còn được tận mắt chiêm ngưỡng hệ động- thực vật vô cùng phong phú.

Hoa Cóc Đỏ đặc hữu.

Năm 2006, một phái đoàn UNESCO đã đến VQG Côn Đảo. Ngưỡng mộ khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời, họ đã đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp thiên nhiên và văn hóa mang tính đại diện toàn cầu. Đầu năm 2014, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới đã công nhận VQG Côn Đảo là 1 trong 2.203 khu đất ngập nước quan trọng của thế giới, là khu đất ngập nước quan trọng (khu Ramsar) thứ 6 và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.

Về hệ thực vật, Côn Đảo rất phong phú và đa dạng với khoảng 882 loài thực vật bậc cao thuộc 562 chi, 161 họ, trong đó có đến 371 loài thân gỗ, 30 loài phong lan, 103 loài dây leo, 202 loài thảo mộc. Đáng chú ý, có tới 44 loài thực vật lần đầu tiên được ghi nhận. Với hệ động vật, tới nay các nhà khoa học đã ghi nhận được 144 loài, trong đó lớp thú có 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Ở đây, hai loài sóc mun và sóc đen được coi là độc nhất vô nhị. Do cách xa đất liền, nhiều loài động vật ở đây mang tính duy nhất, đặc hữu.

Cua “xe tăng” chỉ có ở Côn Đảo.

Bên cạnh hệ sinh thái đất liền, VQG Côn Đảo còn nổi bật bởi hệ sinh thái biển. Vùng biển này hết sức phong phú các loài thủy sinh, tới nay đã ghi nhận 1.321 loài, trong đó thực vật ngập mặn 23 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 7 loài, phù du thực vật 157 loài, phù du động vật 115 loài, san hô 219 loài, thú và bò sát biển 5 loài... Cũng ít vùng biển nào có tới 37 loài được ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam. Ở đây, người dân tự hào với những loài rất đặc hữu, trong đó phải kể đến những “cánh đồng san hô” bạt ngàn, những khu vực nước nhiều ngọc trai thiên nhiên với giá trị kinh tế cao, loài bò biển từng được mệnh danh là “nàng tiên cá”..., và cũng ít nơi nào người ta có thể thấy từng đàn rùa biển lên bờ đẻ trứng, hay là những con cua “xe tăng”...

Rùa biển.

2. Côn Đảo với tất cả vẻ đẹp mơ màng và huyền bí luôn cuốn hút tất cả mọi người.

Tới nay, dù đã có rất nhiều nghiên cứu, nhưng người ta vẫn biết rằng chưa thấm vào đâu so với sự đa dạng, phong phú của đảo. Chỉ với riêng rừng ngập mặn đã có tới 46 loài cây được định danh, trong đó có 35 loài thực vật thân gỗ, 5 loài thân bụi, và 6 loài thân leo. Trong số đó có 3 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam là Đước đôi, Cóc đỏ, Quao nước. Đây chính là khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của đất nước mà tính tự nhiên của nó hầu như chưa bị tác động. Tới VQG Côn Đảo, không ít người lần đầu tiên được nghe tới tên gọi một số loài cây như Bàng phi, Mướp xác hường, Gõ biển, Cóc trắng...

Trong tổng số 6.000ha trên cạn và 14.000ha vùng nước của VQG Côn Đảo, nơi nào cũng có những điều kỳ lạ đến kỳ diệu. Ví như các rạn san hô. Đó là những rạn san hô nhiều màu sắc, nối với nhau liên miên không dứt. Chúng chắn sóng cho đảo, đồng thời cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài cá chuyên kiếm ăn gần bờ. Bên ngoài các rạn san hô là những “thửa ruộng” cỏ biển, thỏa sức cho những con bò biển (dugong) to lớn ăn quanh năm ngày tháng. Mỗi khi con nước rút, những rạn san hô lại nổi lên, tạo ra một ấn tượng về hình ảnh vô cùng đặc biệt. Cũng ít ai biết rằng, trong những rạn san hô đó, cứ 1m2 lại có tới 400 con cá bơi lội.

Tuyệt đẹp những rạn san hô.

Đến Côn Đảo, du khách sẽ được nghe truyền thuyết loài bò biển với tiếng hú huyền hoặc, vì thế người dân gọi chúng là “nàng tiên cá”. Nhưng, những “nàng tiên” ấy lại sở hữu thân hình to lớn, trung bình lên tới vài ba tạ một “nàng”. Tới nay, bò biển không còn xuất hiện nhiều ở VQG Côn Đảo, nhưng chúng đã mãi mãi là một huyền thoại lung linh. Theo giới khoa học, bò biển đực và cái đều trưởng thành về giới tính khoảng từ 7-19 năm, khi đó chúng dài khoảng 2,5m. Quá trình thai nghén sẽ kéo dài từ 12-13 tháng và chỉ sinh một con. Con non sẽ tự gặm cỏ để sống sau một vài tuần và khoảng 18 tháng mới dứt bú sữa mẹ. Sau chừng 5 năm sinh con đầu tiên, bò biển mẹ mới lại thụ thai lứa thứ hai. Cũng chính vì tỷ lệ sinh sản chậm nên bò biển rất dễ bị tuyệt chủng.

Nhiều bãi cát ven biển VQG Côn Đảo còn là nơi sinh sản lý tưởng cho nhiều loài rùa biển. Nơi đây có 17 bãi cát được cho là bãi đẻ của rùa, trong đó 4 bãi có khoảng 1.000 rùa mẹ lên đẻ. Tháng 7 hàng năm, rùa biển từ các nơi tìm đến đây đẻ trứng. Chúng tới nhiều nhất ở hòn Bảy Cạnh. Rùa mẹ sau khi lên cạn sẽ dùng hai bơi trước quạt đất và hai bơi sau đào lỗ để đẻ trứng, mỗi lỗ rộng khoảng 20 cm, sâu khoảng 60cm, chứa được cả trăm trứng. Từ khi rùa mẹ làm ổ cho đến khi sinh nở xong kéo dài chừng 2 giờ. Đẻ xong, rùa mẹ lấp cát lại, rồi ngược đường ra biển. Rùa con sau khi ra khỏi vỏ trứng, cũng lại ngược đường tìm về với đại dương, nơi chúng bắt đầu một cuộc đời đầy bất trắc, bởi trung bình 1000 con rùa non thì chỉ 1 con sống sót cho đến tuổi trưởng thành.

Miên Thảo (tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/con-dao/120624