Cơn cuồng mua sắm chỉ khiến bóng đá Trung Quốc thêm tệ hại

Mark Dreyer của China Sports Insider phân tích cơn cuồng mua sắm của Trung Quốc chỉ khiến bóng đá nước này thụt lùi trên bản đồ thế giới.

"Lớn nhất", "đồ sộ nhất", "đắt giá nhất"... những ngôn từ đó liên tục được các chuyên gia thốt lên khi chứng kiến Trung Quốc khuynh đảo thị trường chuyển nhượng. Rất nhiều tiền đã được chi ra, từ Oscar đến Carlos Tevez, những bản hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD.

Năm ngoái, Trung Quốc phá kỷ lục chuyển nhượng châu Á bốn lần và khiến siêu cường như nước Anh chịu thua. Điều tương tự sẽ lặp lại tới đây. Shanghai Shenhua đề-pa bằng Carlos Tevez, họ biến tiền đạo này thành cầu thủ có mức lương cao nhất thế giới với 38 triệu euro/năm.

Những bản hợp đồng đình đám được Trung Quốc thực hiện.

Tevez là cái tên thứ hai cập bến Trung Quốc theo bản hợp đồng siêu khủng bởi Shanghai SIPG sớm làm nóng kỳ chuyển nhượng bằng việc chiêu mộ tiền vệ Oscar từ Chelsea. Mức giá được tin rằng ở mức 73 triệu USD. Chứng kiến cách vung tiền này, ông David Hornby của tập đoàn công nghệ - truyền thông Mailman (có trụ sở tại Trung Quốc) bị sốc.

"Tiền bạc xuất hiện trong mỗi trận đấu vượt ngoài mức tưởng tượng. Phí chuyển nhượng, tiền bản quyền và những bản hợp đồng tài trợ đã tăng đến mức chóng mặt và không có lý do gì sẽ chậm lại trong năm 2017", ông Hornby thốt lên.

Bình luận trên China Sports Insider, Mark Dreyer mô tả "thế giới từng ngạc nhiên trước sự lớn mạnh của bóng đá Trung Quốc", nhưng năm 2017 thì "yếu tố bất ngờ tan biến vì kịch bản tương tự xuất hiện". Cách nói này khẳng định cơn cuồng mua sắm của bóng đá ở đất nước tỷ dân không dừng lại.

Theo Dreyer, giới chủ Trung Quốc muốn so kè sức mạnh bằng việc liên tục vung tiền không tiếc tay. "Những tỷ phú rất thỏa mãn khi đánh bại các đối thủ khác trên thị trường chuyển nhượng", Marcus Lucer, nhà sáng lập kiêm CEO của Total Sports Asia, kết luận.

Quá nhiều ngoại binh sẽ lấy đi cơ hội cho nội binh phát triển.

Hình ảnh bóng đá Trung Quốc trỗi dậy được nhìn thấy rõ nét qua những tên tuổi được họ lôi kéo. Không còn những bản hợp đồng "vô danh" nữa, năm nay các mục tiêu được những CLB tại giải Chinese Super League nhắm tới rất tiếng tăm. Đến Ronaldo và Messi cũng trở thành mục tiêu được tiếp cận.

Vừa qua, "siêu cò" Jorge Mendes của Ronaldo tiết lộ thân chủ đã từ chối lời mời gọi trị giá hàng trăm triệu USD từ một CLB Trung Quốc. Trước Ronaldo, một CLB sẵn sàng chi hơn nửa tỷ euro để có chữ Messi. Thế nhưng tiền bạc không phải yếu tố quyết định tất cả.

"Họ có thể mua rất nhiều cầu thủ, nhưng chạm tới Ronaldo thì bất khả thi", Dreyer nói. Hãng tin ESPN đùa cợt chừng nào CR7 và Messi phá sản, niềm kiêu hãnh không còn, khát khao chinh phục đỉnh cao mất đi và chẳng còn nơi nương tựa, họ mới cân nhắc chọn Trung Quốc làm điểm dừng chân.

Cũng theo Dreyer, sự thật sau các bản hợp đồng bom tấn của Trung Quốc mang nhiều mùi vị chính trị hơn. Và thực tế cho thấy các tỷ phú chạy theo cơn cuồng mua sắm mà quên đi công tác đào tạo trẻ mới quan trọng hơn.

Ronaldo cũng nằm trong tầm ngắm các CLB Trung Quốc.

Trên AFP, Dreyer thẳng thắn kết luận sức mạnh đồng tiền chỉ khiến bóng đá Trung Quốc thêm tệ hại. Sự hiện diện của Carlos Tevez, Oscar, Hulk... sẽ giết chết cơ hội phát triển các tài năng trẻ. Ngoài ra, bài toán tài chính cũng trở thành gánh nặng cho các CLB vì phải gánh đủ mọi chi phí.

"Họ (Trung Quốc) không thể tạo ra dòng tiền mới bằng cách ném vào thị trường chuyển nhượng hàng đống tiền. Những ngoại binh không mang về nguồn thu nhập cho CLB. Sự thật đó không thể chối cãi", Dreyer bình luận.

Nguyên Trí (Theo AFP)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/con-cuong-mua-sam-chi-khien-bong-da-trung-quoc-them-te-hai-post710205.html