Con chữ ở Mu Cay Hồ, vốc từng nắm cát kiếm tiền cho con đến lớp

Khi Quốc hội đang “nóng” về những vấn đề vĩ mô của ngành giáo dục thì trên đỉnh Mu Cay Hồ, có những em phải vốc từng nắm cát bán đi lấy tiền đến lớp, có những thầy cô giấu niềm riêng để âm thầm “gieo” con chữ trên núi cao. Đỉnh Mu Cay Hồ cao vời vợi, bốn mùa mây phủ, mùa đông có năm tuyết phủ trắng cả tháng trời...

Vốc từng nắm cát kiếm tiền cho con đến lớp

Bên đỉnh núi đó là thôn Dền Thàng, thôn xa xôi cách trở nhất của xã Tả Van (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), nằm hun hút trong vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên. Có đến đây tôi mới thấu hiểu cuộc sống nhọc nhằn của người dân thế nào.

Từ trung tâm xã Tả Van, mất 2 tiếng đồng hồ tôi mới vượt qua được đoạn đường “đá nhảy” dài 23km gập ghềnh xuyên qua thôn Séo My Tỷ vào đến thôn Dền Thàng. Thôn Dền Thàng có 102 nóc nhà, đều là đồng bào dân tộc Mông, nhưng không sinh sống tập trung mà chia thành 4 khu dân cư nằm cheo leo trên các sườn núi cao, cách trở về đường giao thông.

Dền Thàng có 3 con suối to chảy qua là suối Dền Thàng, suối Thông và suối Đá. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi vào thôn là nhìn thấy khung cảnh ngổn ngang đất đá ở hai bên đường dọc theo các con suối. Do lũ lớn nên mấy cây cầu gỗ cũng bị nước cuốn trôi, bà con phải làm cầu tạm để qua suối. Dưới lòng suối Đá có gần chục phụ nữ bì bõm lội nước, cậy đá rất vất vả. Lúc đầu tôi nghĩ họ đang bắt tôm cá nhưng Má A Pho, thầy giáo người Mông, đi cùng tôi lắc đầu: Không phải đâu, bà con đang xúc cát để bán đấy. Ở đây cát hiếm lắm, có doanh nghiệp đầu tư xây ao nuôi cá hồi nên cần mua cát sỏi.

Bỏ buổi học để xúc cát kiếm tiền

Tôi đến gần một phụ nữ mặc áo hồng đang dầm mình dưới vũng nước lạnh buốt, bặm môi dùng cuốc cào cát lẫn đá dưới lòng suối lên đổ vào "lù cở". Dù chị cố gắng cào xúc cật lực, nhưng khi nhấc được cuốc lên, thì cát lại theo nước trôi ào xuống suối. Mỗi lần như thế, vất vả lắm cũng chỉ xúc được vài nắm cát.

“Nhà mình năm nay lúa mất mùa nên phải đi xúc cát lấy tiền mua quần áo cho các con đi học. Nửa bao xi măng cát cõng lên trên kia bán được 5.000 đồng”, chị Sùng Thị Xua chia sẻ.

Trong đám phụ nữ, có cả những em gái chỉ trên dưới 10 tuổi cũng theo mẹ ra suối xúc cát. Do nhiều người xúc nên cát trên suối ngày càng ít đi, nằm ở dưới những tảng đá giữa suối. Các em phải cậy từng tảng đá lên, rồi dùng vục xuống khe đá lấy cát hoặc mảnh gỗ nhỏ xúc từng tí một. Có hòn đá to quá, hai em Hầu Thị Máy, Hầu Thị Sung phải dùng hết sức mới lật được lên để lấy ít cát dưới đó.

Mặc dù tôi và thầy giáo Pho gặng hỏi mãi tại sao các em không đến lớp, hai em vẫn cúi mặt xúc cát, không nói gì. Có lẽ do dầm mình trong nước suối lạnh từ sáng đến trưa, nên hai bàn tay, bàn chân các em trắng bợt ra, nhăn nheo, người thì run rẩy vì rét. Tôi thấy có gì nhói trong lồng ngực.

Thèm nghe tiếng nói của con nhưng đành chịu

Điểm trường tiểu học và mầm non thôn Dền Thàng nằm sát nhau, dưới chân núi Mu Cay Hồ. Trường mới xây, nằm trên chỏm đất cao nhưng chưa có đường xe máy lên, đành phải leo bộ qua con dốc đứng. Sau buổi học sáng là giờ ăn trưa của các em học sinh.

Giờ ăn trưa của các em học sinh

Thầy giáo trẻ Hoàng Văn Thành, quê ở huyện Văn Bàn đang kiên trì nựng dỗ, bón từng thìa cơm cho cậu học sinh nhỏ Hầu A Thưởng mới được 3 tuổi. Thầy Thành bảo em ấy còn nhỏ quá, chưa tự xúc ăn được, lại lười ăn, nên hôm nào cũng phải bón như thế để em ăn no bụng, có giấc ngủ ngon. Mà có lẽ chỉ thầy Thành bón, em mới không khóc và chịu ăn. Các thầy cô giáo gọi vui thầy Thành là “cô nuôi dạy trẻ”.

Ngay gần đó là lớp 1 do cô giáo Đinh Thị Phượng làm chủ nhiệm, các em học sinh cũng đang ngồi trong lớp ăn cơm. Ngoài ít cơm đã nguội trong cạp lồng, thức ăn của bé Hầu A Chầu là một quả su su luộc bổ làm 4 miếng. Ở bàn bên cạnh, hai em Hầu Thị Do, Hầu Thị Bâu cũng chỉ ăn cơm với rau cải luộc, su su xào. Một số học sinh khác may mắn vì có cá khô, hoặc miếng trứng rán.

Cô giáo Phượng giọng ngậm ngùi: Lớp em có nhiều học sinh ở xa trường 3 đến 4 km nên khi đi học các em phải mang theo cạp lồng cơm để ăn trưa. Bà con ở đây nghèo, lại đang bận mùa màng, nên bữa ăn của các em cũng chỉ đạm bạc như vậy.

Cô giáo Phượng quê tận tỉnh Vĩnh Phúc, công tác ở trường tiểu học Tả Van được 6 năm, trong đó gần 2 năm dạy học ở Dền Thàng, chồng là bộ đội, con nhỏ phải gửi cho ông bà trông giúp. “Mỗi năm em về thăm chồng con được 2 lần là tết và hè. Ở đây không có sóng điện thoại, nhiều lúc nhớ chồng, thương con, thèm nghe một tiếng nói của con, mà không biết phải làm sao. Đành đợi khi nào ra thôn Séo Mý Tỷ có sóng điện thoại mới gọi được về nhà”, cô Phượng ngậm ngùi.

Ngày sinh nhật cô Phượng, mấy thầy cô giáo góp tiền, gửi ra Sa Pa mua tặng cô cái bánh sinh nhật và cùng vào bếp nấu bữa cơm nho nhỏ. Cô Phượng xúc động rơi nước mắt. Trong số các thầy, cô giáo công tác ở Dền Thàng, thầy Bùi Đình Trọng, sinh năm 1977 là người anh cả. Thầy Trọng đã có gần 20 năm dạy học ở vùng cao Sa Pa, trong đó có 8 năm gắn bó với điểm trường Dền Thàng.

Thầy giáo Bùi Đình Trọng đã 8 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao Dền Thàng

Thầy Trọng bảo: Năm học mới này, thầy cô và học sinh ở đây phấn khởi lắm, vì được học ở ngôi trường mới xây khang trang. Còn năm học trước, lớp học vẫn là nhà tạm dột nát nằm ở gò đất giữa hai con suối, ngày mưa to, học sinh không đến lớp học được. Những đêm mưa lũ, mấy thầy giáo nằm trong phòng, nghe lũ cuốn ầm ầm ở hai bên, không sao chợp mắt được, chỉ lo lũ cuốn phăng mất cả mấy phòng học. Nhớ lại giờ vẫn còn run...

Tối đó, tôi ngủ lại ở Dền Thàng. Ngoài trời, sương xuống mịt mù, tê lạnh. Thầy Trọng kéo cho tấm chăn, nói ở đây mùa đông rét lắm, năm ngoái tuyết phủ trắng trường, học sinh phải nghỉ học mấy hôm. Sớm hôm sau, tôi choàng tỉnh vì nghe tiếng nhạc rộn ràng. Ngó ra ngoài trời sương vẫn trắng xóa. Thì ra thầy Trọng đã dậy, đẩy cái loa thùng trong phòng ra sân trường, vặn tiếng to hết cỡ.

“Trường chưa có trống, sáng nào mình cũng dậy sớm bật loa thay tiếng trống trường, học sinh nghe thấy vui chân đến lớp”, thầy Trọng bảo.

Tôi cứ nhẩm theo mấy câu trong bài hát “Đi học xa” mà rạo rực, xốn xang:

“Chim cư cứ trên rừng gọi đàn/ Các bạn ơi mau nhanh chân/ Xuống núi, xuống núi, đi học chữ/ Đường về trường còn xa lắm đấy/ Nhanh nhanh chân các bạn ơi/ Thầy cô đang mong chờ, đón đàn em, từ xa tới… Hờ hơ...hơ... hờ... hớ… Hờ hơ hớ hớ hờ…. Hôm nay đi học xa/ Đường tương lai đường gần” .

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/con-chu-o-mu-cay-ho-voc-tung-nam-cat-kiem-tien-cho-con-den-lop-post180572.html