Con chán bí đỏ lắm rồi

TP - Quả bí đỏ Y Bum mua với giá 10.000 đồng đủ cho cả nhà ăn cả tuần. Các con của chị bảo: “Mẹ ơi, con chán cơm bí đỏ lắm rồi”. Để cải thiện bữa ăn, chị và các con thay nhau vào rừng kiếm rau, khi nào kiếm được nắm rau lang coi như được bữa tươm tất.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk (giữa) và Trưởng đại diện UN Women Việt Nam Shoko Ishikawa (bên trái) tặng quà cho các phụ nữ nghèo nhất xã Đắc Tờ Re.

Tiết kiệm nước tới mức tối đa, vậy mà nhiều khi không có nước mà uống. Cả tháng ăn cơm với rau vẫn là may mắn. Đó là tình cảnh của phần lớn người dân vùng gặp hạn ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum trong đợt hạn hán kỷ lục trong vòng 60 năm qua, kéo dài từ cuối năm 2015 đến hết tháng 6/2016.

Chúng tôi tới huyện Kon Rẫy vào dịp đầu tháng 9 khi mùa mưa đã về. Một ngày có thể có vài trận mưa lớn, nước ngập mênh mông, nhưng lượng nước sinh hoạt của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chưa hẳn đã dồi dào.

Nhọc nhằn mưu sinh vùng hạn nặng

Từ trung tâm Kon Tum, đi 40km là đến thị trấn Đắc Rve, nơi khá đông người dân tộc Ka Dong sinh sống. Nhà của Y Tâm (tên ở nhà là Y Bum) nằm ở lưng chừng núi. Con đường đất lổn nhổn dẫn tới nhà chị, nhà rộng chưa đầy 5m 2 , giống chòi hơn là nhà. Mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ của cả gia đình 7 người, gồm hai vợ chồng và 5 con, đều diễn ra ở đây. Căn nhà lọt thỏm trong khu đất rộng. Hỏi sao không làm nhà rộng ra, Y Bum bảo: “Tiền ăn phải đi vay mượn còn chưa trả được, làm sao dám vay nữa để làm nhà. Bao giờ mới trả nổi?”.

Chúng tôi đến nhà Y Bum đúng giờ cơm chiều. Mâm cơm chỉ vỏn vẹn nồi cơm, nồi canh bí đỏ lõng bõng. Nhoắng cái, bọn trẻ đã ăn xong và chạy đi chơi. Y Bum kể, từ khi hạn hán đến nay, cây cối chết hết. Ruộng khoai mì (sắn), loại cây nuôi sống phần lớn các gia đình ở huyện Kon Rẫy, đều chết hết.

Y Bum năm nay 38 tuổi, nhưng trông chị già hơn so với tuổi. Chị than thở, rau màu chết hết nên chẳng có ai thuê làm ruộng. Trước kia, làm thuê ngày nào, có tiền tiêu ngày đấy. Giờ không có việc làm, phải vay tiền để ăn rồi chờ vụ mùa sang năm làm công trả nợ. Mấy tháng nay, nhà chị ăn cơm với bí đỏ trường kỳ, không biết đến thịt cá.

Đợt hạn hán vừa qua, nhà Y Bum cũng như các gia đình người dân tộc Ka Dong trong vùng đều lâm cảnh khó khăn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhận được món quà mà UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) tại Việt Nam tặng, gồm 1 xô có nắp đậy 25 lít, 1 gáo múc nước, 4 bánh xà phòng, 2 tuýp kem đánh răng và nhiều đồ dùng vệ sinh, Y Bum mừng lắm. Vừa về tới nhà, chị lấy xô ra đựng nước luôn. Chị nói, có những đợt, đến nước còn không có mà uống, nói gì đến vệ sinh cá nhân.

Hiện nay, khi mùa mưa về, lượng nước sinh hoạt đã khá dồi dào. Hàng xóm của Y Bum đều mua ống nhựa dẫn nước từ đầu nguồn về tận nhà. Nhưng nhà Y Bum không có tiền mua ống, chị và các con vẫn phải đi bộ hơn 1 km tới đầu nguồn xách nước về nhà.

Y Bum trước ngôi nhà 5m2 của mình. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Đi rẫy về muộn là hết nước

Xã Đắc Tơ Re, cách trung tâm Kon Tum 55km, nơi có đông đảo bà con người Ba Na sinh sống. Đây là một trong những xã nghèo nhất của huyện Kon Rẫy, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt hạn hán vừa qua.

Trong chuyến thăm và tặng quà tại xã Đắc Tơ Re, đoàn công tác, gồm ông Lee Hyuk - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam (nhà tài trợ), bà Shoko Ishikawa - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đã tới thăm những hộ nghèo nhất của xã. Căn nhà trống trơn của chị Y Briel, chồng mất sớm, một mình nuôi 5 con nhỏ, khiến cả đoàn xúc động. Không ai bảo ai, ông Lee Hyuk, bà Shoko Ishikawa, bà Nguyễn Thị Thu Hà, đều tặng chị ít tiền để mua đồ ăn cho đàn con thơ. Chị kể, đợt hạn hán vừa qua, chiếc giếng mà Nhà nước hỗ trợ đào cho khoảng 5-7 gia đình dùng chung cứ khoảng 5 giờ chiều là cạn nước. Vì thế, nếu đi rẫy về muộn là không còn nước.

Cũng như nhiều gia đình Ba Na trong vùng, cuộc sống của gia đình chị sống dựa vào thiên nhiên. 5 đứa con nhỏ xíu sàn sàn tuổi nhau, đứa nhỏ nhất khoảng 2 tuổi, thò lò mũi đứng nhìn khách, thỉnh thoảng có ai nhìn chằm chằm là cu cậu òa khóc. Mẹ vào rừng làm nương rẫy, các con ở nhà tự trông nhau hoặc chơi quanh hàng xóm.

Ngày 9/9, tại huyện xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, UN Women Việt Nam cung cấp 3.000 bộ dụng cụ vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em gái trong các gia đình nghèo và có phụ nữ làm chủ hộ. Đây là một phần của kế hoạch cung cấp 20.500 bộ dụng cụ vệ sinh cho phụ nữ nghèo tại 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai - những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, ngập mặn kể từ cuối năm 2015. Tổng trị giá các gói hàng là hơn 12 tỷ đồng.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/con-chan-bi-do-lam-roi-1051534.tpo