Còn 'cả trăm điều' cần sửa trong BLHS

Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng phải sửa đổi căn bản bộ luật Hình sự 2015.

ĐBQH Tô Lâm tại buổi họp tổ Bắc Ninh

Ngoài 141 điều mà Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung thì riêng phía Bộ Công an đã rà soát được khoảng 30 vấn đề liên quan với cả trăm điều nữa cần được xem xét.

Thảo luận tại Quốc hội sáng 21.10, Bộ trưởng Tô Lâm nêu ý kiến không nên vì áp lực phải thông qua trong kỳ họp này mà chỉ sửa đổi một số điều hay các lỗi kỹ thuật, bởi theo rà soát của cơ quan này thì có tới 33% số điều cần thay đổi. "Trong khi việc bỏ một điều cũng thay đổi cả cơ cấu của điều luật, khiến việc viện dẫn rất khó khăn. Với tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tôi kiến nghị phải tập trung sửa đổi căn bản bộ luật này cho hoàn chỉnh", thượng tướng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu ví dụ các quy định về hàm lượng ma túy hay ma túy tinh chất cần phải sửa đổi để tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm. Theo ông Lâm, hiện không có loại ma túy nào lưu hành trên thực tế là ma túy tinh chất cả vậy mà quy định phải giám định hàm lượng là rất khó. Tội phạm giờ trộn lẫn tạp chất vào ma túy vì chỉ cần hàm lượng 70% cũng đủ gây nghiện cho người dùng. Ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, nếu xử lý không tốt sẽ có rất nhiều hệ lụy kéo theo như cướp của, giết người nhưng việc xử lý tội phạm ma túy thời gian qua khó khăn vì những vướng mắc về luật pháp, quy định như vậy.

“Trung Quốc đã tử hình Cục trưởng Quản lý dược”

Quan điểm của ông Tô Lâm cũng được nhiều ĐB khác chia sẻ tại các cuộc thảo luận tổ. ĐB Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM, cho rằng mới rà soát thời gian ngắn đã phát hiện 141 lỗi. Do đó cần rà soát kỹ hơn để phát hiện và chỉnh sửa tất cả các lỗi.

Trong khi việc bỏ một điều
cũng thay đổi cả cơ cấu của điều luật, khiến việc viện dẫn rất khó khăn.

Với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi kiến nghị phải tập trung sửa đổi căn bản bộ luật này cho hoàn chỉnh

ĐBQH Tô Lâm

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, theo dự luật, đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh giả làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên... sẽ bị phạt tù từ 12 - 20 năm. Không có cách nào để xác minh thuốc giả làm chết hoặc gây tổn hại bao nhiêu phần trăm sức khỏe đối với một người nào đó. Vì thế các điều luật này đặt ra chỉ cho có mà thôi. “Trước nay chưa thấy có đối tượng làm thuốc giả nào bị xử tử hình cả. Nhiều vụ đối tượng bị bắt xong rồi cũng từ từ chìm vào quên lãng mà không thấy xử gì cả. Trung Quốc đã tử hình Cục trưởng Cục Quản lý dược vì tội cấp phép, cấp số đăng ký cho thuốc giả mà số thuốc giả đó làm chết người. Điều luật của VN cũng cần có những răn đe như vậy để nếu ai tính làm cục trưởng, làm lãnh đạo mà làm chuyện phi pháp vì tiêu cực thì họ phải chùn tay”, bà Lan nói.

Liên quan đến quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, ĐB Nguyễn Minh Đức cho biết ở nhiều nước chỉ quy định pháp nhân chủ yếu với 2 nhóm là tội trốn thuế và các tội về môi trường do đây là hai vấn đề quan trọng. Ở VN có chuyện tập thể trốn thuế cũng như chuyện cả doanh nghiệp công khai hoặc ngấm ngầm thống nhất xả thải gây ô nhiễm thì việc đặt trách nhiệm hình sự với pháp nhân là cần thiết. Tuy nhiên, việc mở rộng trách nhiệm hình sự pháp nhân tới 31 điều là quá rộng và có thể vô tình tiếp tay cho tội phạm có tổ chức. ĐB này nêu ví dụ về khả năng có người đứng ra thành lập các công ty, doanh nghiệp rồi sau đó núp bóng để thực hiện hành vi phạm tội như buôn lậu. Với bình phong này, đối tượng buôn lậu dưới danh nghĩa công ty khi bị xử lý sẽ đổ lỗi cho trách nhiệm pháp nhân dẫn đến việc không áp dụng được triệt để trách nhiệm hình sự. ĐB Đức cũng bày tỏ không đồng tình với quy định “đình chỉ vĩnh viễn” đối với pháp nhân vi phạm.

Bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng

Trước đó, nêu quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, nhấn mạnh sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế. Việc sửa đổi không làm thay đổi những chính sách lớn của BLHS đã được QH khóa 13 thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự luật là tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (điều 292) đã được lược bỏ. Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến ủy ban này tán thành với dự thảo luật về việc bỏ điều 292 với lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Tư pháp cho biết cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc đưa vào các chương tương ứng về việc xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản (đã được quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP); kinh doanh đa cấp bất chính (được quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP) trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục, cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì đây là những vấn đề có liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành và quá trình thẩm tra có ý kiến đề nghị của Ngân hàng Nhà nước VN, Bộ Công thương. Do đó, đề nghị cần có quan điểm chính thức của Chính phủ.

Đề nghị miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Sáng 21.10, QH nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo nội dung đề xuất bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp của Chính phủ, chỉ còn một số ít đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, gồm: hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đất nông nghiệp: phải nộp 50% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp và phải nộp 100% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tổ chức (trừ đơn vị vũ trang nhân dân) sử dụng đất nông nghiệp: phải nộp 50% số thuế ghi thu hằng năm trong trường hợp trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp; phải nộp 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp trong trường hợp không trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp. Đơn vị vũ trang nhân dân được nhà nước giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp: phải nộp 50% số thuế ghi thu hằng năm đối với diện tích đất nông nghiệp được nhà nước giao.

Tại văn bản này, Chính phủ đồng thời cũng đề nghị bổ sung một số đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31.12.2020 đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và tổ chức được nhà nước giao đang trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp.

Thảo luận về vấn đề này, nhiều ĐB nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỉ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước.

Trường Sơn

Kiến nghị hoãn thông qua dự thảo luật về Hội

Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng luật về Hội phù hợp với chiến lược hội nhập quốc tế VN” do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi tường (iSEE) phối hợp Viện Kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 21.10, nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo luật về Hội (dự kiến được đưa ra thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 2, QH khóa 14) có nhiều điểm bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được với nhu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo TS Lã Khánh Tùng (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), quyền lập hội của người dân được ghi nhận trong điều 25 của Hiến pháp năm 2013 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự mà VN đã gia nhập. Tuy nhiên, với định nghĩa trong dự thảo luật về Hội thì nguyện vọng của người dân có nguy cơ bị ngăn cấm. Mặt khác, trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, các hội có đăng ký, trừ 6 tổ chức chính trị xã hội và 31 hội đặc thù, phải tự chủ về mặt tài chính, được huy động và sử dụng các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để hoạt động. Tuy nhiên, với các quy định trong dự thảo luật như không được liên kết, gia nhập với các hội của nước ngoài, không được nhận tài trợ của nước ngoài... nếu được QH thông qua sẽ đóng tất cả cánh cửa đối với các hội.

iSEE và VEPR đã kiến nghị QH hoãn thông qua dự thảo luật về Hội để có đủ thời gian lấy ý kiến rộng rãi, chỉnh sửa để tạo điều kiện và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, quyền tự do lập hội của người dân cũng như phù hợp với hội nhập quốc tế.

Thái Sơn

Trường Sơn - Chí Hiếu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/con-ca-tram-dieu-can-sua-trong-blhs-757515.html